Lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

14:20, 01/03/2013

Ngày 1/3, Ủy ban MTTQ T.P Thái Nguyên tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của đại diện giới nhân sĩ, trí thức, luật gia, tôn giáo và lãnh đạo Ủy ban MTTQ thành phố qua các thời kỳ tham gia vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Qua thảo luận trực tiếp và gửi văn bản, các đại biểu đều nhất trí với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhất là khẳng định sự cần thiết phải có Điều 4 trong Hiến pháp quy định sự lãnh đạo của Đảng, là cơ sở để chống lại các thế lực thù địch đang lợi dụng chế độ đa đảng để xuyên tạc. Các đại biểu cũng đóng góp bổ sung nhiều nội dung trong các chương, điều, khoản và đề nghị sửa đổi một số câu chữ trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: đối với Điều 4, ngoài các điều khoản như Dự thảo sửa đổi cần bổ sung luật hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam để thể chế hóa điều khoản này và có chế tài đủ mạnh để thực thi một cách có hiệu quả, chống lại các luận điệu xuyên tạc sai trái của các thế lực phản động. Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung Điều 29: đảng viên đủ 21 tuổi được quyền ứng cử vào Quốc hội và HĐND các cấp theo điều lệ và hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đảng; Điều 9, khoản 3 quy định chức năng nhiệm vụ của Ủy ban MTTQ nên thay cụm từ "hoạt động có hiệu quả" bằng "hoạt động theo tôn chỉ và mục đích đã đề ra"; Điều 16 cần sửa lại là "Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền chính đáng và hợp pháp của người khác"...     

 

 

* Ngày 1/3, đồng chí Dương Xuân Hùng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đã chủ trì Hội thảo lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong hệ thống tổ chức Công đoàn. Dự Hội thảo có các đồng chí nguyên là cán bộ Công đoàn tỉnh; đại diện các Công đoàn cơ sở, Công đoàn ngành trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Tại Hội thảo, các đại biểu đều khẳng định tính cấp thiết của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến đóng góp tập trung vào một số nội dung được quy định trong các Điều 4, 9 và 10 nhằm làm rõ hơn về vai trò lãnh đạo của Đảng; nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc trong việc vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, quyền giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức; xác định rõ vị trí của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi chính đáng cho người lao động; quy định rõ hơn về các quyền: kiểm duyệt, thành lập, gia nhập Công đoàn. Các đại biểu cũng góp ý vào việc chỉnh sửa một số câu, từ cho phù hợp với nội dung trong các Điều 2, 13, 21, 25, 29, 33 nhằm làm rõ hơn về quyền công dân, quyền con người…

 

Sau Hội thảo, Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục tổng hợp ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của các đoàn viên Công đoàn cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh.