Ngày 18/3, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1956) đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Ma Thị Nguyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 của tỉnh chủ trì.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, sau 3 năm thực hiện, Đề án 1956 đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương và người lao động về vai trò quan trọng của dạy nghề cho lao động nông thôn đối với phát triển nguồn nhân lực nông thôn; góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn; tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác dạy nghề… Từ năm 2010 đến 2012, toàn tỉnh đã tổ chức thí điểm có hiệu quả 9 mô hình dạy nghề cho 735 lao động nông thôn tại 5 đơn vị cấp huyện và 6 xã điểm với các nghề: may công nghiệp, may dân dụng, thêu ren, hàn, mộc, trồng hoa…; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 8/9 trung tâm dạy nghề cấp huyện, trường trung cấp nghề công lập; hỗ trợ vay vốn tạo việc làm cho trên 4,5 nghìn lao động nông thôn với kinh phí trên 125 tỷ đồng; bồi dưỡng cho trên 2,7 nghìn lượt cán bộ, công chức xã với kinh phí gần 2,2 tỷ đồng… Từ các chương trình, 192 hộ nghèo có người tham gia học nghề đã thoát nghèo, 182 hộ thành hộ khá; trên 3 nghìn lao động nông thôn sau học nghề đã chuyển sang làm các nghề phi nông nghiệp…
Trong giai đoạn 2013-2015, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 của tỉnh phấn đấu hỗ trợ học nghề cho 8 nghìn người; đồng thời tiếp tục thực hiện gắn dạy nghề với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và khả năng tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm ổn định; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề bằng nhiều phương pháp và hình thức để đạt hiệu quả cao… Để tiếp tục thực hiện tốt Đề án, đồng chí Ma Thị Nguyệt yêu cầu các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn để người lao động nhận thức đây là quyền và nghĩa vụ của mình; tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, thường xuyên giám sát, đôn đốc kịp thời trong quá trình thực hiện Đề án; nâng cao chất lượng dạy nghề; rà soát nhu cầu học nghề để đẩy mạnh xã hội hóa, lồng ghép các chương trình, nguồn lực cho công tác dạy nghề; chỉ đạo thực hiện nhân rộng các mô hình nông nghiệp, phi nông nghiệp có hiệu quả; phân công rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp trong việc thực hiện Đề án...