Đó là chỉ đạo của đồng chí Ma Thị Nguyệt, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị tham gia ý kiến vào Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh (giai đoạn 2013-2020) được tổ chức vào sáng 11/4, tại UBND tỉnh (ảnh). Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và các trường Đại học trên toàn tỉnh.
Tại Hội nghị, các ý kiến tham luận đều thống nhất việc đánh giá, bảo tồn các giống cây trồng, nguồn gen động vật, cây rừng, vật nuôi, thủy sản và vi sinh vật trong phòng chống bệnh cho cây chè là rất quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu Quốc gia về bảo vệ đa dạng sinh học, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường tại địa phương. Các ý kiến đưa ra còn nhấn mạnh đến việc: Tập trung bảo tồn các loài mang tính đặc hữu và có giá trị cao về kinh tế, môi trường; cần có tiêu chí cụ thể để lựa chọn các loài ưu tiên bảo tồn; danh mục cụ thể các loài cần bảo tồn và giai đoạn cần bảo tồn...
Kết luận tại Hội nghị, đồng chí Ma Thị Nguyệt đánh giá cao tầm quan trọng của việc bảo tồn các nguồn gen tại địa phương. Đồng chí đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát các loài quý hiếm trên địa bàn toàn tỉnh. Trên cơ sở đó, tiếp tục hoàn thiện Đề án để trình Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Mục đích cuối cùng của Đề án là giúp người dân nâng cao nhận thức, tạo vùng sản xuất nguyên liệu, góp phần nâng cao mức sống cho người dân.