Thảo luận ở tổ về các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết

18:49, 24/04/2013

Sau khi nghe các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại phiên họp sáng ngày 24/4, buổi chiều cùng ngày, các đại biểu đã dành thời gian để thảo luận ở tổ. Báo Thái Nguyên xin lược ghi tóm tắt một số ý kiến, được các đại biểu quan tâm thảo luận.

* Về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh (KT-XH) Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đồng chí Vũ Quốc Thạnh, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông đề nghị: Cần bổ sung thêm phần phát triển hạ tầng thông tin vào Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh, vì tại Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và Nghị quyết số 16 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13 và tại Chương trình hành động "Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ mục tiêu xây dựng tỉnh Thái Nguyên thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020" đều có nội dung này.

 

Đồng chí Phạm Thái Hanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch đề nghị cần bổ sung thêm quy hoạch xây dựng Bảo tàng tỉnh vào Quy hoạch phát triển KT-XH, vì trong Phụ lục kế hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 156, ngày 23/6/2005, của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch hệ thống Bảo tàng Việt Nam có 35 tỉnh chưa có bảo tàng sẽ được xây mới, trong đó có Thái Nguyên. Đại biểu Ma Thị Nguyệt (đoàn Định Hóa) đề nghị: Cần đưa Bảo tàng tỉnh vào kết nối với tour du lịch không gian văn hóa Trà và Khu du lịch sinh thái hồ Núi Cốc để phát huy giá trị văn hóa của Bảo tàng. Đại biểu Nguyễn Thế Đề (đoàn Phú Lương) đề nghị: Sở Kế hoạch và Đầu tư cần làm rõ thêm căn cứ để đưa ra chỉ tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh bình quân đạt từ 10,5% đến 11%/năm thời kỳ 2011-2020, trong khi đó, tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh trong 3 năm (2011-2013) chỉ đạt 8,3%. Đại biểu Bùi Đức Cường (đoàn Đồng Hỷ); đại biểu Nguyễn Đức Minh (đoàn Phổ Yên); đồng chí Trần Xuân Hựu, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đều nhất trí cho rằng: Cần rà soát lại các mục tiêu trong báo cáo để tránh tình trạng các mục tiêu đề ra đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thấp hơn hoặc bằng hiện nay. Đã là mục tiêu phải mang tính tăng trưởng, nên các mục tiêu đề ra trong báo, nhất thiết phải cao hơn thời điểm hiện tại...  

 

* Về Đề án Phát triển y tế chuyên sâu tỉnh Thái Nguyên: Đại biểu Ma Thị Nguyệt (đoàn Định Hóa) đề nghị: Ngành Y tế cần làm rõ đơn vị vệ tinh khác gì với bệnh viện vệ tinh? Bộ Y tế có đồng ý 4 bệnh viện của tỉnh dự kiến xây dựng thành bệnh viện vệ tinh để đưa vào danh sách các bệnh viện vệ tinh hay không? Đại biểu Lê Quang Dực và đại biểu Nguyễn Thế Đề (đoàn Phú Lương) cho rằng: Hiện nay giữa cơ quan chi trả bảo hiểm y tế và các bệnh viện đang mắc nhau về thanh toán tiền bảo hiểm dẫn đến người dân sẽ bị thiệt thòi, vậy ngành Y tế có suy nghĩ gì để giải quyết vướng mắc trên? Việc đưa ra Đề án Phát triển y tế chuyên sâu là nhằm chống quá tải đối với các bệnh viện tuyến trên nhưng do trình độ chẩn đoán, chất lượng điều trị chưa đáp ứng cũng sẽ làm thiệt thòi cho người bệnh nếu không kịp thời chuyển lên tuyến trên. Vì vậy cần đánh giá thực trạng y tế Thái Nguyên để chỉ ra những tồn tại và có hướng khắc phục, nhất là vấn đề chẩn đoán, chất lượng điều trị; cần có chính sách thỏa đáng để thu hút nguồn lực vào ngành Y tế.

 

* Tờ trình về việc điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường: Đại biểu Nguyễn Văn Mùi (đoàn Phú Bình) cho rằng: Đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo Tờ trình của UBND tỉnh, tôi cho rằng trong 3 loại khoáng sản này chưa nên điều chỉnh giảm phí xuống. Đó là quặng Titan (thuộc loại khoáng sản kim loại nặng) và đá ốp lát Granit, đá Blok (thuộc khoáng sản không kim loại) Thực tế tỷ lệ phí bảo vệ môi trường phải nộp thấp so với giá thành phẩm, cũng không ảnh hưởng nhiều tới doanh nghiệp và đời sống của công nhân lao động, vì thế cần cân nhắc, không nhất thiết phải điều chỉnh giảm xuống.

 

*Về mức chi phụ cấp kiêm nhiệm cho cán bộ tham gia quản lý và hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên tại Trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn”, đại biểu Nguyễn Thị Hằng (Phú Bình) đồng tình với quy định: Thực tế tham gia giám sát tại cơ sở, chúng tôi nhận thấy nếu không có kinh phí hỗ trợ thường xuyên, các Trung tâm rất khó hoạt động. Còn đối với các cán bộ làm kiêm nhiệm thì nếu có phụ cấp cũng khuyến khích họ hơn trong công việc. Tuy nhiên, theo báo cáo của Hội Khuyến học tỉnh thì chỉ có 30% số Trung tâm hoạt động hiệu quả, số còn lại cũng có nơi gần như ngủ yên, hoặc có tổ chức được các lớp cũng chỉ phối hợp với các đoàn thể khác mà chưa tổ chức khảo sát được nhu cầu của người dân để tổ chức các lớp học. Vì thế, tôi đề nghị, sau khi cấp kinh phí cần thường xuyên kiểm tra việc sử dụng có đúng mục đích không. Còn đại biểu Bùi Đức Cường (đoàn Đồng Hỷ) cũng cho rằng, việc chi phụ cấp kiêm nhiệm là cần thiết để những cán bộ kiêm nhiệm có trách nhiệm hơn với công việc được giao.

 

* Đối với Tờ trình về việc điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đại biểu Dương Văn Lành (đoàn Đồng Hỷ) cho rằng, quản lý vấn đề này rất khó khăn nên cần sự thống nhất trong phối hợp giữa các cấp, ngành để khai thác nguồn thu một cách triệt để….