Ngày 6/4, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý vào Đề án "Chính sách đặc thù phát triển nguồn nhân lực y tế vùng dân tộc và miền núi tỉnh Thái Nguyên".
Theo báo cáo của Sở Y tế, toàn tỉnh hiện còn thiếu hơn 400 bác sĩ ở cả 3 tuyến tỉnh, huyện và xã, do vậy chưa đáp ứng đầy đủ được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đề án nói trên xây dựng các giải pháp nhằm bổ sung nguồn nhân lực bác sĩ đang rất thiếu hiện nay. Tại Hội thảo, đại diện Sở Y tế và Sở Giáo dục - Đào tạo cũng đã thông qua 2 Đề án: "Chính sách đa dạng hóa các hình thức đào tạo nhân lực y tế tỉnh Thái Nguyên" và Đề án "Kế hoạch phân bổ tăng chỉ tiêu, kinh phí cho cử tuyển của ngành Y". 2 đề án này được xem như các nhóm giải pháp nhằm cụ thể hóa Đề án "Chính sách đặc thù phát triển nguồn nhân lực y tế vùng dân tộc và miền núi tỉnh Thái Nguyên". Theo đó, mục tiêu đề ra đến năm 2020 tỉnh cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu bác sĩ. Cụ thể đến năm 2016 có 100 bác sĩ hệ 4 năm; 200 thí sinh học hệ xét tuyển 6 năm; có ít nhất 100 thí sinh học hệ cử tuyển 7 năm và thu hút được từ 50 -100 bác sĩ và sinh viên Đại học Y chính quy ở các tỉnh về Thái Nguyên làm việc.
Các ý kiến đóng góp vào Đề án chủ yếu bàn về tiêu chuẩn và chất lượng nguồn lực trong diện hưởng ưu đãi của Đề án. Một số ý kiến cho rằng giữa 2 giải pháp đào tạo bác sĩ cử tuyển và thu hút bác sĩ, sinh viên Đại học Y chính quy trong và ngoài tỉnh về Thái Nguyên làm việc, thì giải pháp thu hút bác sĩ mang lại hiệu quả cao hơn.