Thực hiện chương trình công tác, ngày 7/5, Đoàn ddại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) tại huyện Phú Lương và Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm nông dân (Hội Nông dân tỉnh). Đồng chí Trương Thị Huệ, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì.
Tại UBND huyện Phú Lương, Đoàn đã nghe báo cáo kết quả thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn. Theo đó, trong 3 năm, huyện đã phối hợp với 9 cơ sở dạy nghề tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn được 68 lớp với trên 2 nghìn học viên, trong đó có trên 1,2 nghìn học viên học các nghề phi nông nghiệp; tỷ lệ học viên có việc làm sau đào tạo đạt khoảng 80%. Riêng nghề may công nghiệp toàn huyện đạt 100% lao động có việc làm sau đào tạo. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án 1956, huyện Phú Lương gặp phải một số khó khăn đó là: Nguồn kinh phí hỗ trợ cho lao động nông thôn học nghề còn ít; công tác tuyên truyền, tư vấn nghề còn hạn chế; trình độ học vấn của lao động nông thôn còn thấp nên việc truyền đạt kiến thức gặp nhiều khó khăn…
Thay mặt Đoàn giám sát, đồng chí Trương Thị Huệ đã ghi nhận những ý kiến đề xuất, kiến nghị của huyện (như: Cần đơn giản hoá các thủ tục đăng ký học nghề, phân bổ hợp lý chỉ tiêu đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương; hỗ trợ lao động sau đào tạo nghề thay đổi công việc, áp dụng kiến thức đã được đào tạo vào sản xuất…) để tổng hợp trong báo cáo đánh giá tình hình triển khai thực hiện Quyết định 1956. Đồng chí cũng đề nghị huyện Phú Lương cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn; sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất đã được đầu tư để tránh lãng phí; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Dạy nghề huyện…
Đối với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm nông dân trong 3 năm qua đã đào tạo được 47 lớp với trên 1,4 nghìn học viên. Sau lớp học nghề, các học viên được cấp chứng chỉ và áp dụng có hiệu quả kiến thức đã học vào thực tiễn sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Hiện, Trung tâm đang được Trung ương Hội Nông dân đầu tư gần 35 tỷ đồng xây dựng trụ sở làm việc và đào tạo nghề tại xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên). Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các trung tâm dạy nghề cấp huyện và các ngành, đoàn thể ở huyện để tránh chồng chéo trong đào tạo nghề; tuyển sinh đào tạo nghề cho lao động nông thôn sát với nhu cầu về việc làm…