Trong 2 ngày 4 và 5/5, huyện Võ Nhai tổ chức Lễ hội "Võ Nhai nơi cội nguồn" năm 2013. Nhân dịp này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đào Xuân Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó ban Thường trực Ban Tổ chức Lễ hội về mục đích, ý nghĩa, quy mô và công tác chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này.
P.V: Xin đồng chí cho biết mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức Lễ hội "Võ Nhai nơi cội nguồn"?
Đồng chí Đào Xuân Phượng: Võ Nhai là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh, giàu truyền thống cách mạng, nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, như: Di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm (Thần Sa); di tích lịch sử rừng Khuôn Mánh, nơi thành lập Trung đội Cứu quốc quân II (Tràng Xá); danh thắng hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà (Phú Thượng). Huyện có 8 dân tộc anh em cùng chung sống với những bản sắc văn hóa đặc trưng rõ nét như: chợ tình của người Mông diễn ra vào ngày 26/3 (âm lịch) hằng năm; Hội đình làng của xóm Làng Đèn, xã Tràng Xá (mùng 8 tháng Giêng); xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (18 tháng Giêng); đền Đình Cả (25 tháng Giêng); xóm Cao Lầm, xã Phú Thượng (30 tháng Giêng)…
Những năm qua, thực hiện Đề án của huyện về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), huyện Võ Nhai cũng đã duy trì hoạt động "Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc" diễn ra vào dịp ngày thành lập chính quyền cách mạng huyện (21/3). Tuy nhiên, do nhiều yếu tố nên cũng chỉ tổ chức ở quy mô nhỏ, chưa thể hiện được đặc trưng lễ hội của Võ Nhai. Vì vậy còn có những hạn chế trong công tác quảng bá, thu hút người dân trong huyện và du khách đến với Võ Nhai. Trong khi đó, các huyện của tỉnh đều có những lễ hội rõ nét như: Lễ hội Lồng Tồng ở Định Hóa; Lễ hội Đình - Đền Cầu Muối ở Phú Bình… Việc tổ chức Lễ hội "Võ Nhai nơi cội nguồn" năm 2013 là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm giới thiệu, quảng bá về bản sắc văn hoá, lịch sử, các danh lam thắng cảnh và những tiềm năng của đất và người Võ Nhai đến mọi miền đất nước. Đồng thời từng bước cụ thể hoá Đề án "Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc huyện Võ Nhai giai đoạn 2010-2015" theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII); thông qua các hoạt động phong phú của Lễ hội (như: thi đấu các môn thể thao truyền thống, thi múa khèn, thi ẩm thực chợ quê, chợ tình của dân tộc Mông...) để cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên cùng các tầng lớp nhân dân trong huyện hăng hái thi đua lao động sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của huyện.
P.V: Những hoạt động chính của Lễ hội là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Đào Xuân Phượng: Lễ hội được tổ chức trong 2 ngày 4 và 5/5 (tức ngày 25 và 26/3 âm lịch, trùng với ngày Chợ tình của người Mông). Trong những ngày này, 15 xã, thị trấn, 3 trường THPT và Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú đóng trên địa bàn huyện tổ chức cắm trại; thi trình diễn pha trà của các "Trà nương" tại trại của 4 trường học; đốt lửa trại, giao lưu văn nghệ, thi múa khèn của đồng bào dân tộc Mông; tổ chức các hoạt động thể thao (gồm: thi chọi gà; chạy cà khoeo, kéo co, bắn nỏ). Lễ khai mạc và Chương trình nghệ thuật đặc biệt gồm 3 chương: Chương 1- Võ Nhai nơi cội nguồn. Chương 2- Võ Nhai miền quê cách mạng. Chương 3- Võ Nhai ngày mới sẽ được truyền hình trực tiếp trên các kênh sóng của Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên vào tối 4/5. Đặc biệt, ngày 5/5, huyện sẽ khai mạc phiên chợ vùng cao để trưng bày, bán các sản vật chợ quê nhằm tái hiện phiên chợ vùng cao của huyện. Hàng hóa là các loại nông sản, các món ăn đặc trưng của bà con các dân tộc được bán và nấu nướng tại chợ. Cùng với hoạt động chợ quê, trong Lễ hội cũng sẽ tái hiện phiên chợ tình của người Mông. Đây là điểm nhấn thu hút thanh niên dân tộc Mông bà con các dân tộc khác trong huyện cùng đi chợ.
P.V: Huyện Võ Nhai đã chuẩn bị những gì để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân địa phương cùng du khách trong và ngoài tỉnh có được một lễ hội ý nghĩa, thưa đồng chí?
Đồng chí Đào Xuân Phượng: Được sự đồng ý của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Đoàn Nghệ thuật tỉnh, Ban Thường vụ Huyện uỷ Võ Nhai đã ban hành Quyết định số 1494-QĐ/HU ngày 18/3/2013 về việc thành lập Ban tổ chức Lễ hội "Võ Nhai nơi cội nguồn" năm 2013. Ban Tổ chức Lễ hội đã xây dựng Kế hoạch số 43-KH/BTC ngày 15/4/2013 về việc tổ chức Lễ hội này của huyện; đồng thời tiến hành phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Tổ chức Lễ hội và triển khai thực hiện tốt nội dung Kế hoạch tổ chức Lễ hội. Huyện cũng đã tổ chức vận động các doanh nghiệp đóng góp kinh phí góp phần cùng huyện tổ chức các hoạt động của Lễ hội.
Để tổ chức thành công các hoạt động của Lễ hội, huyện đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thông tin, tuyên truyền về các hoạt động của Lễ hội và chỉ đạo Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền trên sóng đài huyện. Các công tác khác cũng đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo Lễ hội được tổ chức thành công, như: Công tác đảm bảo an ninh, trật tự; điện, nước; sân vận động để tổ chức các hoạt động trong Lễ hội, sân khấu, kịch bản truyền hình trực tiếp. Đến ngày 2/5, các bước chuẩn bị để tổ chức Lễ hội đã cơ bản hoàn tất. Tối 3/5, Võ Nhai tổ chức tổng duyệt nội dung Chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc Lễ hội.
Nhân dịp này, huyện Võ Nhai trân trọng kính mời và rất mong được đón tiếp người dân địa phương cùng du khách trong và ngoài tỉnh đến dự Lễ hội "Võ Nhai nơi cội nguồn" năm 2013.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!