Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trong cuộc họp triển khai công tác dân tộc tổ chức sáng 17-5. Tham gia cuộc họp có lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, các sở, ngành liên quan và 9 huyện, thành, thị.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác dân tộc, có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án như: Chương trình 135, 134, trợ cước, trợ giá, cho vay vốn phát triển sản xuất; cấp phát sách và một số loại báo không thu tiền…. Nhờ vậy đã tạo những chuyển biến rõ rệt về mọi mặt từ hạ tầng thiết yếu đến đời sống của nhân dân, các xã miền núi, vùng cao đã được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, nền kinh tế ở các xã vùng sâu, vùng xa còn chậm đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao, kết quả giảm nghèo thiếu bền vững. Nguyên nhân một phần là do nhận thức về vai trò, vị trí công tác dân tộc có nơi, có lúc còn chưa đúng mức; sự quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện ở một số địa phương chưa kịp thời, quyết liệt. Ở cấp huyện việc thực hiện các chính sách dân tộc còn thiếu thống nhất, nơi giao cho phòng Nông nghiệp, nơi giao cho Phòng kế hoạch- Tài chính, có huyện lại giao cho Ban quản lý dự án… Đội ngũ cán bộ làm công tác này ở huyện năng lực không đồng đều và luân chuyển liên tục nên ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Một số công trình, nhất là công trình cấp nước sinh hoạt kém phát huy hiệu quả…
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2013, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần tập trung hoàn thành việc kiểm tra , rà soát lại kết quả xác định các xóm đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III. Phê duyệt danh sách hỗ trợ và chuyển kinh phí cho các hộ thuộc diện hỗ trợ để mua giống cây trồng, vật nuôi. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Đặng Viết Thuần yêu cầu các địa phương nhanh chóng rà soát lại đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, cũng như mối quan hệ với các đơn vị liên quan, làm sao để những chính sách ưu việt của Nhà nước được triển khai nhanh chóng, đầy đủ, hiệu quả nhất. Đối với các công trình nước sinh hoạt không phát huy được hiệu quả, chính quyền các địa phương sớm đề xuất giải pháp để khắc phục. Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu đánh giá lại các thôn, bản đặc biệt khó khăn của tỉnh, xây dựng nhóm giải pháp thực hiện thông qua các chính sách đầu tư của Nhà nước, tiếp tục rà soát các dự án để kêu gọi nhà đầu tư, từng bước cải thiện đời sống cho đồng bào vùng khó khăn.