Huy động mọi nguồn lực thực hiện Nghị quyết Trung ương 5

07:35, 19/06/2013

LTS: Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết TW5 khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, đã có 5 tham luận của các cơ quan, đơn vị về vấn đề này. Phóng viên Báo Thái Nguyên lược ghi các ý kiến nói trên  

Thực hiện đầy đủ các chính sách phát triển văn hoá

Đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

 

Những năm qua, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực thi đầy đủ các chính sách phát triển văn hóa của Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh, đồng thời, ban hành một số cơ chế của tỉnh để hỗ trợ cho các hoạt động văn hóa nhằm tạo điều kiện cho văn hóa Thái Nguyên phát triển ngày một tốt hơn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân. Ban cán sự Đảng luôn quan tâm, tạo tạo điều kiện xây dựng và hoàn thiện các Quy hoạch về: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao (giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020); Đề án Phát triển văn hóa nông thôn giai đoạn 2010-2015... nhằm phát triển sự nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, các thiết chế văn hóa và thực hiện các chính sách về văn hóa phục vụ nhân dân cũng được quan tâm bằng cơ chế hỗ trợ xây dựng trung tâm văn hóa, thư viện, nhà văn hóa xóm, tổ dân phố… Đến nay, toàn tỉnh có 4 trung tâm văn hóa thể thao, 20 thư viện, 3.383 câu lạc bộ được duy trì hoạt động thường xuyên. Ban cũng đã chỉ đạo thực hiện một cách đồng bộ, đúng chính sách, đúng đối tượng góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, nhất là đối với các xã khó khăn, vùng núi, vùng sâu, xa (biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, cấp sách, báo…). Việc trùng tu, tôn tạo cho các di tích cấp tỉnh cũng được UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời.

 

Chú trọng xây dựng thiết chế văn hóa

Đồng chí Lê Văn Tuấn, Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên.

 

Trước năm 2000, các thiết chế văn hóa, như: nhà văn hóa, thư viện, sân bãi tập luyện thể dục - thể thao, loa đài phục vụ cho sinh hoạt văn hóa còn thiếu thốn, nguồn kinh phí chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh việc tăng cường đầu tư ngân sách cho lĩnh vực phát triển văn hóa, thành phố đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực của xã hội để xây dựng các thiết chế văn hóa, thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đến nay, các xã, phường trên địa bàn đều có nhà văn hóa (riêng từ năm 2007 đến năm 2012, số nhà văn hóa xóm,  tổ và liên tổ tăng từ 200 lên 411 nhà), được đầu tư trang thiết bị đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp của nhân dân. Hệ thống thư viện, trung tâm văn hóa… trên địa bàn được quan tâm đầu tư về quy mô và chất lượng. Nhiều điểm vui chơi giải trí, điểm tập luyện thể dục - thể thao được xây mới và nâng cấp với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng. Các di tích lịch sử cách mạng, di tích tôn giáo, tín ngưỡng được bảo tồn và phát huy. Đến nay, thành phố có 18 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và cấp Quốc gia. Hoạt động lễ hội, nhất là lễ hội dân tộc với nghi thức truyền thống, văn hóa dân gian được duy trì, phát triển. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thông tin, thể thao từ thành phố đến cơ sở  được phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. 

 

Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã  tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa, các quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Công tác kiểm kê, lập hồ sơ di tích, nghiên cứu khoa học được chú trọng, đã tổ chức kiểm kê, phúc tra di tích trên 800 điểm của toàn tỉnh, phục vụ cho công tác lập hồ sơ, tôn tạo, tu bổ chống xuống cấp. Đến nay, toàn tỉnh đã có 139 di tích được xếp hạng cấp tỉnh trở lên, phục dựng được 13 di sản văn hóa phi vật thể, làm tốt công tác sưu tầm phục vụ cho trưng bày với trên 31 nghìn hiện vật, tư liệu phục vụ cho hàng chục nghìn khách tham quan hằng năm. Cùng với nguồn đầu tư của Nhà nước, Sở đã làm tốt công tác xã hội hóa, kêu gọi được nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư khôi phục, bảo tồn các di tích. Tính đến nay, tổng kinh phí huy động cho công tác này đã đạt trên 20 tỷ đồng.

 

Góp phần phục vụ tốt các hoạt động văn hoá của tỉnh

Đồng chí Triệu Văn Doanh, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.

 

Bằng các nguồn kinh phí được hỗ trợ, tính từ năm 2004 đến nay, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã tổ chức trên 40 trại, lớp tập huấn sáng tác cho trên 600 hội viên tham gia; tổ chức trên 20 cuộc thi sáng tác (thơ, truyện ngắn, ký, ảnh nghệ thuật…) nhằm khuyến khích, động viên văn, nghệ sĩ nâng cao chất lượng tác phẩm, phát hiện tài năng để bồi dưỡng. Hội cũng đã tổ chức hơn 20 cuộc triển lãm nghệ thuật (hội họa, nhiếp ảnh, kiến trúc với trên 1.500 lượt tác phẩm) giới thiệu, quảng bá về đất và người Thái Nguyên. Trong năm 5 trở lại đây, văn nghệ sĩ của tỉnh đã giành trên 50 giải thưởng khu vực, quốc tế. Các hoạt động xuất bản và các ấn phẩm của Hội đều có giá trị nội dung, nghệ thuật tốt phục vụ các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của đông đảo quần chúng nhân dân. 

 

Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng Cuộc vận động 

Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh.

 

Ủy ban MTTQ đã phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Hằng năm, Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các địa phương tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng Cuộc vận động. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các nội dung cho phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng địa phương. Hằng năm, các khu dân cư đăng ký phấn đấu thực hiện các danh hiệu gia đình, làng, tổ dân phố văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đồng thời tổ chức các hội nghị tổng kết và biểu dương các điển hình tiên tiến. Quá trình triển khai thực hiện đã tạo được sự chuyển biến tích cực, thống nhất nhận thức và hành động trong cả hệ thống mặt trận và các tầng lớp nhân dân, khơi dậy quyết tâm xây dựng cuộc sống mới, ấm no, môi trường văn hóa lành mạnh. Số hộ đạt gia đình văn hóa ngày càng tăng. Nhiều nét mới trong giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức, những việc làm thiết thực hướng về cội nguồn, đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội từng bước được hình thành và phát triển, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.