Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình

10:38, 05/06/2013

Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Chỉ thị số 40-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác dân số, gia đình và trẻ em trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực.

Tỷ suất sinh thô thấp hơn so với bình quân chung cả nước và vùng trung du miền núi phía Bắc; tỷ lệ tăng dân số bình quân giữa 2 cuộc tổng điều tra dân số năm 1999 và 2009 là 0,7%/năm (toàn quốc là 1,2%/năm). Các chỉ tiêu về nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe sinh sản đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém như: tỷ lệ sinh con thứ ba chưa giảm; vẫn còn cán bộ là đảng viên, công chức, viên chức vi phạm chính sách DS-KHHGĐ; mất cân bằng giới tính khi tỷ lệ sinh cao và đang ở mức báo động; chất lượng dân số chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

 

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác DS-KHHGĐ trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ, nhất là Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX; Pháp lệnh Dân số; Luật Bình đẳng giới; Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020… và Chỉ thị số 40-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVI về tăng cường sự lãnh đạo công tác dân số, gia đình và trẻ em, phấn đấu sớm đạt được mục tiêu ổn định về quy mô dân số, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên và từng bước nâng cao chất lượng dân số.

 

Các giải pháp cụ thể: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục phù hợp với từng đối tượng; nêu cao vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh, coi đó là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá về ý thức chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường các hoạt động phối hợp liên ngành, nêu cao vai trò chủ động của cơ quan chuyên trách về công tác này. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về công tác DS-KHHGĐ, nhất là cán bộ, đảng viên./.