Tập trung thực hiện 9 nhóm giải pháp phát triển KT-XH những tháng cuối năm

17:50, 24/06/2013

Trong hai ngày 24 và 25-6, UBND tỉnh tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 22 nhằm thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 6 tháng đầu năm 2013, bàn phương hướng, giải pháp thực hiện nhiệm vụ những tháng cuối năm và cho ý kiến vào các nội dung báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết để trình, xin ý kiến tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XII, (dự kiến tổ chức từ ngày 29-7 đến 1-8 tới). Đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp. Tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Đặng Viết Thuần, Ma Thị Nguyệt, Nhữ Văn Tâm; cùng lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương của tỉnh.

 

Tải về bộ xem flash để có thể xem video này.

 

Ngày 24-6, buổi sáng, UBND tỉnh họp trực tuyến với các huyện, thành, thị nhằm thảo luận về báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH và dự toán ngân sách 6 tháng đầu năm, bàn giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm. Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, 6 tháng qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn ước đạt 5,3%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 13.312 tỷ đồng, bằng 38,6% kế hoạch năm và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước; giá trị xuất khẩu đạt khoảng 62,2 triệu USD, bằng 39,3% kế hoạch; tổng thu trong cân đối ngân sách ước đạt 1.803 tỷ đồng, bằng 48,7% dự toán năm, tăng 19,1% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 5.140 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ; sản lượng lương thực có hạt ước đạt 218,6 nghìn tấn, bằng 52% kế hoạch; tạo việc làm mới cho 12.694 lao động, bằng 79,3% kế hoạch. 

 

Tại phiên họp, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, tăng trưởng kinh tế cũng như sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm của tỉnh vẫn còn thấp, hàng tồn kho chiếm tỉ lệ lớn, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản lượng; sản xuất nông nghiệp cũng gặp một số khó khăn về giá cả đầu ra, nhất là đầu ra cho lĩnh vực chăn nuôi; thu ngân sách còn tương đối thấp, chỉ tương đương với bình quân chung cả nước; phân bổ vốn đầu tư còn gặp khó khăn, nợ xây dựng cơ bản vẫn còn; các vấn đề về an ninh trật tự, giải phóng mặt bằng, cấp quyền sử dụng đất… vẫn còn những khó khăn, tồn tại nhất định. Tuy nhiên, lãnh đạo các sở, ngành chuyên môn nhận định, tình hình KT-XH những tháng cuối năm nay sẽ có nhiều khởi sắc, khả năng hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH là hoàn toàn có thể.

 

Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải thực hiện hiệu quả 9 nhóm giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhất là các ưu đãi đặc biệt trong thu hút đầu tư của tỉnh. Hệ thống các ngân hàng trên địa bàn cũng cần tăng cường hướng dẫn doanh nghiệp xử lý nợ xấu, đồng thời có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn của ngân hàng. Các ngành quan tâm chia sẻ, có phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án, công trình trọng điểm, như: Dự án khai thác mỏ đa kim Núi Pháo, Dự án Khu công nghệ cao Samsung, Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên cũng như các dự án khu dân cư, khu đô thị... Mặt khác, các ngành, địa phương phải rà soát lại toàn bộ việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là vốn xây dựng nông thôn mới, nhằm kịp thời phân bổ theo kế hoạch; tăng cường quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản, kiểm tra các dự án khai thác khoáng sản đã được cấp phép, đồng thời đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tập thể, cá nhân; quan tâm rà soát các dự án trên địa bàn, đẩy mạnh thu ngân sách; tổ chức thành công FestivalTtrà Quốc tế Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ hai…

 

Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu tập trung thảo luận và cho ý kiến vào các nội dung báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XII.

 

Ngày mai (25-6), các đại biểu dự họp tiếp tục bàn nhiều nội dung quan trọng khác.