LTS: Tự hào là mảnh đất ra đời Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác và cũng là nơi tổ chức “Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu quốc lần thứ nhất”, (năm 1952), trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã ra sức thi đua xây dựng Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp. Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, để độc giả hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của phong trào thi đua yêu nước, cũng như việc nhân rộng các điển hình tiên tiến trên địa bàn tỉnh, P.V Báo Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh.
P.V: Xin đồng chí cho biết những mốc son quan trọng đánh dấu những quyết định mang tính lịch sử của phong trào thi đua yêu nước trên mảnh đất Thái Nguyên?
Đ/c Dương Ngọc Long: Cách đây vừa tròn 65 năm, trong giai đoạn khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngay 11-6-1948, tại ATK Định Hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Lời kêu gọi của Bác có ý nghĩa sâu sắc đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc; khơi dậy tinh thần yêu nước của toàn dân, tạo nên sức mạnh tinh thần và vật chất vô cùng to lớn, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác hết sức vẻ vang. Thái Nguyên vinh dự và tự hào là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Đặc biệt, ngày 30-4-1952, tại xóm Khuôn Lân, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, Chủ tịch Hồ Chí Minh, TW Đảng, Chính phủ đã quyết định tổ chức “Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất” nhằm tổng kết kinh nghiệm, biểu dương, cổ vũ thành tích đã đạt được, đề ra nhiệm vụ thi đua trong giai đoạn tiếp theo, thiết thực đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tới thắng lợi hoàn toàn.
P.V: Trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, quân và dân Thái Nguyên đã hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Dương Ngọc Long: Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã hăng hái thi đua xây dựng căn cứ địa và lực lượng vũ trang cách mạng, bảo vệ cơ quan Trung ương Đảng, chuẩn bị lực lượng tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền. Ngoài chiến trường, các chiến sĩ thi đua lập công, ở hậu phương, nhân dân thi đua tăng gia sản xuất giỏi, “diệt giặc đói, diệt giặc dốt”…
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với tinh thần “Tất cả vì Miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến”, nhân dân Thái Nguyên nô nức thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; phụ nữ tham gia phong trào “Ba đảm đang”; thiếu niên, nhi đồng “Thi đua làm nghìn việc tốt”… Hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, gần 5 vạn con em các dân tộc trong tỉnh cùng cả nước ra trận, chiến đấu trên khắp các chiến trường 3 nước Đông Dương; gần 1 vạn người đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc… Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại tàn khốc bằng không quân của giặc Mỹ, quân - dân Thái Nguyên vừa sản xuất vừa chiến đấu, đã bắn rơi 61 máy bay các loại của Mỹ, trong đó có 2 pháo đài bay B52. Tự hào hơn nữa, quân và dân Thái Nguyên đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 1.000 trên bầu trời miền Bắc.
P.V: Để xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh giàu có, phồn vinh nhất miền Bắc như lời Bác Hồ dạy khi Người về thăm đầu năm 1964, trong những năm qua tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Dương Ngọc Long: Bước vào thời kỳ đổi mới, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 39/CT-TW ngày 21-5-2004 của Bộ Chính trị (khoá IX) về “tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, đồng thời quan tâm đến việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Từ năm 2007 đến nay, các phong trào thi đua yêu nước được phát động gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo được sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân trong cộng đồng.
Đồng thời, với việc tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do tỉnh phát động, các ngành, cơ quan, đơn vị đã tổ chức các phong trào thi đua với nội dung và hình thức phong phú, như: Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong công nhân lao động; phong trào thi đua “Người cán bộ, công chức trung thành, sáng tạo, tận tuỵ, gương mẫu” trong cán bộ, công chức, viên chức; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” do Mặt trận Tổ quốc phát động…
Có thể khẳng định, phong trào thi đua của tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua đã có nhiều đổi mới tích cực và đem lại hiệu quả rõ rệt. Phong trào thi đua đã phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, tạo động lực thúc đẩy toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phấn đấu góp phần thực hiện hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện những nhân tố mới, những tấm gương người tốt, việc tốt, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Đó là những bông hoa đẹp trong rừng hoa của phong trào thi đua yêu nước. Để ghi nhận những thành tích của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” về thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; năm 2011 tỉnh vinh dự được đón nhận phần thưởng cao quý “Huân chương Hồ Chí Minh”. Và hàng nghìn tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đã được các cấp khen thưởng …
Trong những năm gần đây, xã Tiên Hội (Đại Từ) luôn thực hiện tốt phong trào thi đua phát triển sản xuất nông nghiệp, đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng. Nhờ đó, đời sống của bà con nhân dân ngày càng được nâng lên. Trong ảnh: Đường giao thông ở xóm Quyết Tiến (xã Tiên Hội) mới được đổ bê tông. Ảnh: Ngọc Chuẩn. |
P.V: Thi đua là động lực để phát triển, vậy thời gian tới công tác thi đua khen thưởng của tỉnh sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa đồng chí?
Đ/c Dương Ngọc Long: Trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước với xu thế hội nhập như hiện nay, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ vẫn luôn là nền tảng, là động lực lôi cuốn đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng nhằm đạt mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc - Ngày truyền thống thi đua yêu nước là dịp toàn Đảng, toàn quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, gắn với việc triển khai sâu rộng và có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với công tác tổ chức, vận động và hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Để công tác thi đua khen thưởng tiếp tục đi vào chiều sâu, trong thời gian tới cần tiếp tục đổi mới công tác này, tập trung vào các vấn đề cơ bản như: Làm rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác thi đua khen thưởng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới. Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với công tác thi đua khen thưởng; kiện toàn và đổi mới về công tác tổ chức - cán bộ của các cơ quan tham mưu thi đua khen thưởng; đổi mới nội dung và hình thức thi đua khen thưởng, quy trình phát hiện, xem xét, lựa chọn, phong tặng các danh hiệu thi đua và những vấn đề có liên quan tới việc khen thưởng như: Tiêu chuẩn, danh hiệu, đối tượng khen thưởng. Khen thưởng đối với cá nhân phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương. Xây dựng kế hoạch và có biện pháp cụ thể để tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về chất trong công tác thi đua khen thưởng, dấy lên phong trào thi đua sôi nổi nhằm phát huy cao độ tính tích cực trong mọi ngành, mọi giới, các dân tộc, các tầng lớp nhân dân, tạo ra động lực tinh thần, vật chất mới để mọi người hăng hái tham gia lao động, sản xuất, cần kiệm, sáng tạo, cống hiến sức lực, trí tuệ, biến các phong trào thi đua thành động lực cách mạng, vượt mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!