Chiều 5/6, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức Hội nghị thống nhất kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND các cấp bầu. Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Kim, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng chí Đoàn Thị Hảo, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Theo Kế hoạch tổ chức Hội nghị triển khai lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND các cấp bầu (sẽ được tổ chức vào ngày 13/6), nội dung Hội nghị tập trung vào việc triển khai Nghị quyết số 35 của Quốc hội (QH) về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn và Nghị quyết số 561 của Ủy ban Thường vụ QH hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết số 35; Chỉ thị số 34-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND các cấp bầu; Kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XII; Hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh về một số nội dung của Nghị quyết số 35 của QH. Bên cạnh đó còn trao đổi, thảo luận về những nội dung liên quan; Thường trực Tỉnh ủy sẽ định hướng, chỉ đạo việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh các cấp bầu. Về Kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu tại kỳ họp thứ 7, để đáp ứng được mục đích, yêu cầu của công việc quan trọng này, Kế hoạch nêu rõ: Đối tượng lấy phiếu tín nhiệm gồm 70 đại biểu HĐND tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2011-2016. Đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm gồm 16 đồng chí giữ các chức vụ do HĐND tỉnh bầu như: Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh; Trưởng các Ban của HĐND tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các ủy viên UBND tỉnh.
Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, đồng chí Nguyễn Văn Kim cơ bản thống nhất với kế hoạch của HĐND tỉnh đề ra, đồng thời đề nghị Thường trực HĐND tỉnh lưu ý một số vấn đề: Việc tổ chức các bước lấy phiếu tín nhiệm phải thận trọng, theo đúng các văn bản chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương; cần tuyên truyền, phổ biến, quán triệt một cách chặt chẽ đến lãnh đạo các cấp ủy từ Tỉnh ủy đến các chi bộ. Đảng đoàn HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh phối hợp và có sự thống nhất về hành động, ý kiến trong việc lấy phiếu tín nhiệm. Các cơ quan chức năng cần giải quyết triệt để đơn thư khiếu nại, tố cáo, việc giải quyết đơn thư bảo đảm theo đúng Luật Khiếu nại, tố cáo; chỉ giải quyết những đơn thư có nội dung rõ ràng. Các tài liệu liên quan cần được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ. Cùng với đó, các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền đầy đủ các văn bản về lấy phiếu tín nhiệm; mục đích ý nghĩa, yêu cầu của việc lấy phiếu tín nhiệm đến cử tri và nhân dân...