Tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII

15:44, 24/06/2013

Ngày 24-6, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thái Nguyên gồm các ông, bà: Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Phan Văn Tường, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Trương Thị Huệ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đinh Huy Chiến, Chủ nhiệm Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã tiếp xúc với cử tri ở 5 huyện: Định Hóa, Phú Lương, Phú Bình, Phổ Yên, Võ Nhai để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.

Kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm có sự chuyển biến tích cực  

 

Tại các điểm tiếp xúc, cử tri đã được nghe báo cáo nhanh về kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những tháng đầu năm 2013. Với trọng trách trước nhân dân và trước yêu cầu phát triển của đất nước, tại kỳ họp thứ 5, các ĐBQH đã đánh giá một cách khách quan, sâu sắc những việc làm được, chưa làm được, nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để khắc phục trong thời gian tới. Quốc hội hoan nghênh quyết tâm của Chính phủ, các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và của toàn dân, trong điều kiện tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới còn nhiều khó khăn, đã nỗ lực phấn đấu đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể: Tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm nay đạt trên 39 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước; nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt trên 8,2 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ; tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I tăng 4,89%, đạt mục tiêu đề ra, cao hơn cùng kỳ năm trước (4,75%). Tiếp tục tập trung chỉ đạo tái cơ cấu kinh tế và đã đạt được những kết quả nhất định. An sinh xã hội, phúc lợi xã hội được quan tâm và cơ bản được bảo đảm...

 

Cho ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

 

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được công bố và tiến hành lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tập hợp, tổng hợp đầy đủ, khách quan, trung thực ý kiến đóng góp của nhân dân; nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình cụ thể các ý kiến này để chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 5, với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm cao, các ĐBQH đã thảo luận, cho ý kiến về tất cả các chương, điều của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cả về nội dung cũng như kỹ thuật lập hiến. Quốc hội đã yêu cầu Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các ĐBQH và tiếp tục tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân để hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6.

 

Cũng tại kỳ họp thứ 5, nhiều dự án Luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua và đều sát với đòi hỏi thực tiễn của cuộc sống, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước.

 

Lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

 

Tại kỳ họp thứ 5, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của mình, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được triển khai một cách thận trọng, nghiêm túc, theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Toàn bộ quy trình lấy phiếu tín nhiệm được làm một cách dân chủ, công khai, minh bạch để công luận và cử tri cả nước theo dõi, giám sát. Qua đây, HĐND các cấp sẽ rút ra được những kinh nghiệm, bài học để vận dụng khi triển khai lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu trong thời gian tới, bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân…

 

Tại 5 huyện nói trên, sau khi nghe các ĐBQH báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, đông đảo cử tri đã đánh giá cao kết quả kỳ họp. Các cử tri cũng tiếp tục có nhiều ý kiến, kiến nghị về một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực bảo đảm an sinh xã hội; việc sửa đổi Luật Đất đai; triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đối với những người có công với cách mạng, nạn nhân nhiễm chất độc da cam, các cán bộ làm công tác hội ở cơ sở; chế độ bảo hiểm y tế; rà soát đất lâm nghiệp để giao cho nông dân; vấn đề lấn chiếm vỉa hè trên các tuyến giao thông; một số khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn và giao thông... Các ý kiến, kiến nghị của cử tri được tiếp thu, tổng hợp để chuyển đến các cấp, ngành chức năng xem xét, giải quyết; đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội sẽ được trình lên kỳ họp Quốc hội lần sau.