Xóm Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ) là nơi tái định cư của đồng bào Mông. Sau hơn 30 năm lập nghiệp trên vùng đất mới, nhờ chăm chỉ lao động, sản xuất cùng những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước nên cuộc sống của người dân nơi đây đã có nhiều đổi thay. Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế, bà con trong xóm còn một lòng tin theo Đảng, theo Bác Hồ, luôn chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước, chung tay xây dựng bản làng no ấm.
Đến Lân Quan vào một ngày cuối tháng 6, xóm nhỏ hiện ra trước mắt chúng tôi với những ngôi nhà gỗ xinh xắn nằm rải rác giữa các sườn đồi, bao quanh là màu xanh bạt ngàn của những nương ngô sắp đến kỳ cho thu hoạch. Hỏi thăm nhà Bí thư Chi bộ, chúng tôi được ông Chẩn Văn Giàng, một người dân trong xóm tận tình chỉ đường và hồ hởi: Nhà nước mới mở con đường này đấy, cứ đi xe máy lên, thẳng đường là đến nhà ông Lầu (Bí thư) đấy.
Theo chỉ dẫn của ông Giàng, chúng tôi cho xe chạy vào con đường vẫn còn tươi màu đất để ngược núi. Tiếp chúng tôi trong căn nhà gỗ mát mẻ, ông Dương Văn Lầu cho biết: Xóm Lân Quan hiện có 80 hộ dân với trên 400 nhân khẩu, 100% số hộ ở đây đều theo đạo Tin lành. Trong khi người Mông ở một số địa phương khác có hiện tượng đi theo những tổ chức hoạt động trái pháp luật thì từ trước đến nay, bà con người Mông ở Lân Quan luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện tốt chính sách pháp luật của Nhà nước, không nghe theo lời của kẻ xấu kích động, chia rẽ, xúi giục. Hàng năm, điểm nhóm Tin lành ở đây đều xin phép chính quyền địa phương để tổ chức các ngày lễ lớn trong năm như: Lễ Phục sinh, Lễ Giáng sinh… Những ngày lễ này được tổ chức trang nghiêm, đúng pháp luật. Đầu năm nay, chính quyền địa phương còn tạo điều kiện cho nhân dân trong xóm xây dựng khu nhà nguyện để bà con có nơi sinh hoạt, cầu nguyện vào các ngày thứ Tư và Chủ nhật hàng tuần khiến bà con rất phấn khởi.
Người Mông ở Lân Quan vốn di cư từ huyện Hà Quảng (Cao Bằng) đến sinh sống ở vùng đất này từ trước năm 1980. Ngày mới về đây, cả xóm chỉ có khoảng chục nóc nhà, đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn bởi toàn bộ vùng đất này là đồi núi hoang vu, 100% số hộ đều là hộ nghèo. Từ nguồn vốn của các chương trình 134, 135, 167… dành cho những xã vùng cao đặc biệt khó khăn, đến nay hệ thống cơ sở hạ tầng của xóm Lân Quan đã từng bước được hoàn thiện. Xóm đã có nguồn điện thắp sáng, nguồn nước sạch sinh hoạt bảo đảm vệ sinh dẫn về tới từng nhà. Điểm trường mầm non, tiểu học được xây dựng khang trang cho các cháu trong độ tuổi đến trường học tập. Ngoài con đường rải cấp phối dẫn vào trung tâm xóm, đầu năm nay Nhà nước còn đầu tư hơn 4 tỷ đồng (vốn của chương trình 135) để mở thêm đường mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân ở trên núi cao vận chuyển nông sản xuống trung tâm xóm. Do được tập huấn khoa học kỹ thuật nên những giống ngô lai năng suất cao được bà con đưa vào trồng ngày càng nhiều. Nếu như trước đây, cây ngô chỉ được trồng một vụ trong năm, mỗi kg hạt giống cho thu hoạch khoảng 2 tạ thì bây giờ bà con đã trồng ngô 2 vụ/năm bằng những giống ngô lai năng suất cao như NK 4300; LVN 99; C919…, mỗi kg ngô giống được thu khoảng 5 tạ.
Sống ở trên triền núi cao, phù hợp với việc chăn thả gia súc nên người dân ở xóm Lân Quan đã mở rộng chăn nuôi. Hiện nay toàn xóm có trên 200 con trâu, bò; gần 500 con lợn và khoảng 4.000 con gia cầm. Số vật nuôi này phục vụ tốt cho công việc cày, kéo, giúp người dân cải thiện cuộc sống. 3 năm trở lại đây, xóm đã xuất hiện những mô hình chăn nuôi cho thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm. Điển hình là gia đình ông Đào Văn Sùng, nhờ đầu tư chăn nuôi 8-10 con lợn thịt/lứa, 4-5 con bò/năm, mỗi năm gia đình ông được thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Tâm sự với chúng tôi, ông Sùng cho biết: Trước đây dân tộc Mông mình đói khổ nhiều lắm, chỉ mong muốn có đủ cơm để ăn, đủ áo để mặc nhưng không được. Bây giờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người dân mình đã có cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn; con cái đã được học hành đến nơi đến chốn, khi ốm đau đã được cán bộ y tế thôn bản đến tận nhà thăm khám và cho thuốc uống. Đồng bào mình ơn Đảng, ơn Nhà nước nhiều lắm, bà con ai cũng bảo nhau đoàn kết, một lòng kiên trung với Đảng.
Cuộc sống ổn định, công tác bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn cũng được chú trọng. Anh Ngô Văn Kỳ, Trưởng xóm Lân Quan cho biết: Ba năm trở lại đây, xóm hầu như không xảy ra các vụ việc phức tạp, các tệ nạn xã hội đang dần được đẩy lùi. Đặc biệt, hiện tượng tuyên truyền mê tín dị đoan hay theo các tổ chức chống phá Nhà nước Việt Nam không hề xảy ra trên địa bàn.
Có thể nói, đồng bào Mông ở Lân Quan rất có ý thức đề cao cảnh giác đối với những tổ chức, những “Đạo lạ” cực đoan, phản văn hóa như: Tổ chức Dương Văn Mình, Tâm linh Chủ tịch Hồ Chí Minh…Bà Dương Thị Chí, là một trong những người đầu tiên di cư về xóm cho biết: Trước đây cũng có người ở nơi khác đến rủ bà con đi theo Dương Văn Mình, biết đây là tổ chức không được Nhà nước công nhận nên bà con không theo, không để mình bị lôi kéo.
Rời xóm Lân Quan khi mặt trời xuống núi, chúng tôi hiểu bà con dân tộc Mông nơi đây vẫn luôn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Họ cùng nhau tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo của xóm đã giảm xuống còn 72 hộ; trên 50% số hộ đã có phương tiện nghe nhìn, có xe máy để đi lại, vận chuyển nông sản; 63 hộ đạt gia đình văn hóa; trung bình mỗi năm chỉ có 1-2 hộ sinh con thứ 3…Dẫu biết rằng còn nhiều khó khăn ở phía trước nhưng chúng tôi tin rằng cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chăm chỉ, cần cù của người dân nơi đây, bà con ở Lân Quan sẽ cùng nhau xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp.