Đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tổ: Tập trung vào các mục tiêu kinh tế - xã hội

17:15, 30/07/2013

Trong ngày làm việc thứ hai (30/7), các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại tổ về những nội dung của kỳ họp. Đã có hàng chục ý kiến của các đại biểu đóng góp vào các báo cáo, tờ trình, đề án. P.V Báo Thái Nguyên lược ghi một số ý kiến đóng góp tại tổ.

* Về Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Các đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm. Song có ý kiến đề nghị cần nêu rõ những hạn chế, tồn tại của năm 2012 đã giải quyết đến đâu. Cụ thể, theo đại biểu Nguyễn Thế Đề (Phú Lương) cần chỉ rõ những doanh nghiệp năm 2012 còn nợ thuế chuyển sang năm 2013. Đồng thời nêu rõ những giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng này và công khai các doanh nghiệp còn nợ đọng tiền thuế.

 

Về lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, có đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh cần đánh giá rõ có bao nhiêu công trình kéo dài, lỗi thuộc về vấn đề cơ chế, nguồn vốn hay do vấn đề chủ quan. Đồng thời có những giải pháp chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án.

 

Về tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên: Toàn tỉnh có 446 trường hợp, trong đó huyện Phú Bình có tỷ lệ sinh nhiều nhất (135 trẻ), đề nghị cần chỉ rõ trách nhiệm của ngành Y tế trong việc nắm bắt, tuyên truyền, vận động. Số sinh này tuy của 6 tháng đầu năm nay, nhưng về số liệu thì cuối năm 2012 có thể dự báo được. Trong báo cáo của UBND tỉnh mới chỉ nêu số liệu, cần nêu rõ những giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác này.

 

Đại biểu Trương Thị Huệ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Vấn đề quy hoạch xây dựng các chợ trên địa bàn là chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, việc xây dựng chợ hiện nay vướng mắc nhiều trong triển khai do lợi ích của người dân và chủ đầu tư chưa thỏa đáng. Cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sở ngành liên quan để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên.

 

Đại biểu Hoàng Văn Hùng (đoàn Võ Nhai) đề nghị: HĐND nên giám sát tổ chức triển khai thực hiện các dự án lớn trên địa bàn tỉnh. Xem các dự án này doanh nghiệp nộp ngân sách cho tỉnh được bao nhiêu? Các dự án lớn triển khai đem lại lợi ích gì cho tỉnh, có làm đúng quy hoạch không?

 

Đại biểu Nguyễn Xuân Trường (đoàn Phổ Yên): 6 tháng qua, nhiều chỉ tiêu như tốc độ tăng trưởng kinh tế, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp không đạt, nếu không chỉ đạo quyết liệt thì sẽ rất khó hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra trong năm nay. Về sản xuất nông nghiệp có cơ chế hỗ trợ xây dựng cánh đồng mẫu lớn, nhưng chỉ phù hợp với 1 số địa phương có diện tích phù hợp. Do đó, để phù hợp với tình hình thực tế của từng vùng, tỉnh nên đầu tư hỗ trợ cánh đồng 1 giống đặc biệt là ở những huyện vùng cao.

 

Đại biểu Nguyễn Như Tuấn (đoàn Phổ Yên): Về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm: Các đề án, dự án, chương trình mục tiêu Quốc gia còn chậm triển khai, tính khả thi chưa cao. Vấn đề an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội tuy có ổn định nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, lừa đảo… vẫn gia tăng. Tai nạn giao thông tuy giảm nhưng vẫn còn nhiều vụ nghiêm trọng, việc xe ô tô tải chở quá tải trọng, trọng tải lớn làm các tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng. Do đó tỉnh cần xem xét khi để các xe tải trọng lớn lưu thông trên các tuyến đường nội tỉnh.

 

* Về những nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, các đại biểu đề nghị làm rõ giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 9%/năm. Một trong những giải pháp được đại biểu đề nghị chính quyền các cấp cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực thuế, tận thu các khoản vào ngân sách Nhà nước. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Theo đại biểu Dương Văn Lành (đoàn Đồng Hỷ): Phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đầu tư kích cầu vào xây dựng, xi măng… nâng cấp hệ thống giao thông, nhất là ở những đường xuống cấp. Để hoàn thành chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) và chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp về hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu của Chính phủ. Các sở, ngành liên quan cần rà soát, đi sâu phân tích làm rõ những khó khăn của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn trên địa bàn để có hướng tháo gỡ khó khăn cụ thể đối với từng doanh nghiệp. Đối với công tác thu ngân sách, cần nêu rõ số nợ đọng thuế từ năm 2012 đến nay; doanh nghiệp nào nợ; có thất thu ngân sách hay không, nếu có thì thất thu ở lĩnh vực nào? Giải pháp thu cuối năm là gì? Đối với các công trình, dự án cần chỉ rõ những dự án chậm tiến độ, không triển khai để có biện pháp thu hồi; những dự án đã và đang hoạt động cần có sự quản lý chặt chẽ hơn tránh sự gây ô nhiễm môi trường; gây nhiều bức xúc cho nhân dân như Dự án chợ Túc Duyên của thành phố Thái Nguyên.

 

* Về việc quy định mức hỗ trợ cho Ban lâm nghiệp xã, Phó Ban lâm nghiệp xã và Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng: Đa số đại biểu nhất trí nhưng đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể về cách thức chi tiêu của nguồn vốn hỗ trợ vào việc gì tránh tình trạng khiếu kiện sau này. Mức hỗ trợ cho tổ trưởng tổ bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng thôn bản là 50.000/người/tháng là thấp đề nghị nâng lên. Nhiều đại biểu đề nghị nâng mức hỗ trợ cho Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng lên 70 nghìn đồng/người/tháng để phù hợp với các chức danh khác ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu bảo vệ rừng.

 

* Về Tờ trình hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo, các đại biểu thống nhất cao với mức hỗ trợ đã đề ra. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị cần làm rõ trách nhiệm thuộc về cơ quan nào trong việc thời gian qua cấp trùng thẻ BHYT và để xảy ra nhiều sai sót như hiện nay. Để tránh sai sót thì cần phân rõ cơ quan nào lập danh sách, quy trình như thế nào, đối tượng nào thuộc ai làm.

 

* Về xây dựng nông thôn mới:

 

Đồng chí Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Đối với các hộ dân hiến đất làm đường, đề nghị chính quyền địa phương và các cơ quan, ban, ngành liên quan nhanh chóng điều chỉnh và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ, tránh tình trạng “bỏ” người dân tự phải kê khai, mất thời gian đi lại hoàn thiện các thủ tục như hiện nay. 

 

Về việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới như: tiêu chí văn hóa, môi trường khó đạt nên tỉnh cần hỗ trợ một phần kinh phí để đầu tư hệ thống thu gom rác thải ở các xã; có phương pháp xử lý rác thải cho phù hợp để tránh ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

 

Ông Hoàng Cường Quốc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh: Đề án phát triển sản xuất tại các xã nông thôn đã có 78/143 xã nông thôn, thực hiện được. Tuy nhiên, việc xây dựng đề án phải phù hợp với từng địa phương, không nên thực hiện một cách máy móc. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, Thái Nguyên đang đứng tốp khá, có đến 4 xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên.

 

*Về Đề án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung: Các ý kiến đồng tình rất cao, song cũng đề nghị tỉnh xây dựng lộ trình cụ thể và thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, trong đó cần quan tâm đến các giải pháp về: thanh tra, kiểm tra, kiểm dịch, xử lý vi phạm…

 

* Về mức thu phí đối với xe mô tô loại có dung tích xi lanh trên 100cm3 có 2 luồng ý kiến: nên thu ổn định ở mức 100 nghìn đồng để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh; luồng ý kiến thứ 2, đề nghị thu ở mức 105 nghìn để đảm bảo tính pháp lý.

 

* Về ý kiến, kiến nghị của cử tri: Nhiều trang trại chăn nuôi ở các xã Tân Cương, Thịnh Đức (thành phố Thái Nguyên) xả thải ra môi trường gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân thị xã Sông Công, đề nghị các cấp, ngành liên quan cần có giải pháp để giải quyết vấn đề này.