Lược ghi các ý kiến trả lời chất vấn tại kỳ họp

18:33, 31/07/2013

Buổi sáng ngày làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khoá XII (ngày 31/7), các đại biểu làm việc tại Hội trường để nghe chất vấn và trả lời chất vấn. Phóng viên Báo Thái Nguyên lược ghi một số ý kiến chất vấn và trả lời của lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành liên quan.

Giải quyết tình trạng ngập úng ở T.P Thái Nguyên

 

Đại biểu Lương Trung Hà (đoàn Phú Lương) chất vấn: Hiện nay, khi mưa lơn một số tuyến phố và khu vực dân cư trên địa bàn T.P Thái Nguyên thường bị ngập úng, gây ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh của nhân dân, làm mất mỹ quan đô thị, gây ách tắc giao thông, có trường hợp tai nạn đã xảy ra. Được biết, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng và triển khai thực hiện Dự án Hệ thống thoát nước và Xử lý nước thải T.P Thái Nguyên từ nhiều năm nay. Đề nghị cho biết tại sao Dự án thực hiện đã được một số năm mà tình trạng trên chưa được khắc phục. Bao giờ thì tình trạng ngập úng trong T.P Thái Nguyên mới được khắc phục?

 

Đồng chí Nhữ Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời: Hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện Dự án Hệ thống thoát nước và Xử lý nước thải T.P Thái Nguyên, ở 9/28 phường, xã thuộc T.P Thái Nguyên. Các hạng mục của Dự án đang trong giai đoạn xây lắp. Như vậy, khi toàn bộ Dự án hoàn thành sẽ khắc phục được tình trạng ngập úng tại một số điểm, chứ chưa giải quyết được tình trạng ngập úng của toàn bộ T.P Thái Nguyên. Về giải pháp trong thời gian tới, tỉnh đang lập hồ sơ đề nghị được vay vốn ODA để thực hiện dự án thoát nước giai đoạn 2 - phía Nam T.P Thái Nguyên và đang tiến hành các bước để vay vốn Ngân hàng Thế giới thực hiện Dự án Nâng cấp đô thị, trong đó có T.P Thái Nguyên.

 

UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và T.P Thái Nguyên tiến hành rà soát tất cả các dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, khu đô thị, tăng cường đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, khẩn trương hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là đảm bảo đấu nối hệ thống thoát nước. UBND thành phố đã và đang tập trung chỉ đạo giải quyết việc thoát nước tại một số điểm ngập úng, như: Xây dựng cống thoát nước tại hàng rào Công ty Điện lực Thái Nguyên, Công ty Thủy lợi, cổng Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh; cải tạo, nạo vét khơi thông dòng chảy toàn bộ hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố trước mùa mưa hằng năm...

 

Các thiết chế văn hoá không đáp ứng yêu cầu

 

Đại biểu Nông Thanh Thuỷ (đoàn Đồng Hỷ) hỏi: Qua ý kiến, kiến nghị của cử tri và thực tế giám sát của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh, hiện nay, hệ thống thiết chế văn hoá - thể thao từ cấp tỉnh đến cơ sở chưa có quy hoạch tổng thể, tình trạng chắp vá, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân; chưa có hướng dẫn hoạt động thống nhất để phát huy hiệu quả của thiết chế văn hoá cơ sở. Là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, đề nghị Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết về vấn đề trên? Phương hướng, giải pháp thực hiện thời gian tới của ngành như thế nào?

 

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thu, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trả lời: Nội dung đại biểu nêu trên là hoàn toàn đúng. Thiết chế văn hoá - thể thao được xây dựng ở những thời điểm khác nhau, chưa có quy hoạch, quy chuẩn, nên hầu hết các thiết chế văn hoá từ tỉnh đến cơ sở chưa đúng với quy chuẩn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Với vai trò là ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh về lĩnh vực này, trong những năm gần đây, ngành tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh phát huy các giá trị, sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hoá, thể thao hiện có. Chỉ đạo 35 xã, phấn đấu đến năm 2015, hoàn thành 2 tiêu chí văn hoá/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí, quỹ đất, chính sách để duy trì hoạt động hệ thống thiết chế văn hoá, cũng như đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong xây dựng các công trình văn hoá, thể thao. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án “Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”; tham mưu xây dựng Đề án “Xây dựng khu liên hiệp thể thao Thái Nguyên” tương xứng với tỉnh Trung tâm vùng Việt Bắc.

 

Về giải quyết những vướng mắc trong xây dựng các chợ

 

Đồng chí Trương Thị Huệ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh hỏi: Vấn đề quy hoạch xây dựng các chợ trên địa bàn là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, việc xây dựng chợ hiện nay vướng mắc nhiều trong triển khai do lợi ích của người dân và chủ đầu tư chưa thoả đáng?

 

Đồng chí Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở Công Thương trả lời: Thời gian qua, tỉnh ta rất quan tâm phát triển hệ thống chợ, các trung tâm thương mại và siêu thị hiện đại. Riêng khu vực T.P Thái Nguyên đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia xây dựng, cải tạo và quản lý chợ theo mô hình doanh nghiệp quản lý. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, xây dựng, nâng cấp và quản lý khai thác chợ gặp không ít khó khăn, chưa có sự đồng thuận giữa chủ đầu tư và các hộ kinh doanh, như: chợ Bắc Sơn, Ba Hàng (Phổ Yên), chợ Túc Duyên, Dốc Hanh, Quan Triều (T.P Thái Nguyên). Nguyên nhân do một số nhà đầu tư năng lực tài chính hạn chế, vừa đầu tư vừa huy động vốn đóng góp của các hộ kinh doanh, do vậy dẫn đến tranh chấp vị trí kinh doanh trong chợ, phát sinh khiếu kiện ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư dự án…

 

Để giải quyết được cơ bản những mâu thuẫn giữa các nhà đầu tư và hộ kinh doanh trong việc xây dựng và quản lý khai thác chợ, trong thời gian tới, cần tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề đầu tư và khai thác chợ để đông đảo nhân dân được biết. Chính quyền các cấp cần phối hợp và giúp các nhà đầu tư làm tốt công tác tư tưởng với nhân dân, đặc biệt là các hộ kinh doanh trong chợ, nhất là các chợ được đầu tư theo hình thức doanh nghiệp đầu tư quản lý và khai thác. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, giảm các thủ tục hành chính, cũng như lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực về tài chính để đầu tư và khai thác chợ.

 

* Về giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế để đạt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 9%; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 16%:

 

Ông Đặng Xuân Trường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Để đạt được các chỉ tiêu kinh tế nêu trên, cần tiếp tục nắm bắt tình hình của các doanh nghiệp, kịp thời xử lý khó khăn, tồn tại của doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. các cơ quan Thuế, Hải quan, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Nguyên tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp. Các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư dự án tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp; huy động các nguồn lực để sớm đưa các công trình, dự án vào khai thác, sử dụng phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát đầu tư; tổ chức tốt các phiên chợ đưa hàng về nông thôn…

 

* Về tình hình nợ thuế năm 2012 của các doanh nghiệp, nguyên nhân, Giải pháp khắc phục của ngành Thuế

 

Ông Nguyễn Văn Tiến, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh: Tính đến ngày 30/7/2013, có 808 doanh nghiệp còn nợ thuế, với số tiền nợ thuế 235,1 tỷ đồng, chiếm 6,7% tổng thu ngân sách (bao gồm cả nợ thuế năm 2012 và nợ phát sinh mới 7 tháng năm 2013). Để tăng cường thu nợ trong thời gian tới, Cục Thuế sẽ thực hiện công tác thu nợ nghiêm túc theo quy định (tính tiền phạt chậm nộp; thực hiện cưỡng chế, phong tỏa tài khoản đối với các doanh nghiệp có số nợ quá 90 ngày đã ra thông báo nộp, đã phạt nộp chậm nhưng vẫn không thực hiện; bù trừ tiền nợ thuế với tiền hoàn thuế giá trị gia tăng). Đồng thời, phối hợp tích cực với các ngành chức năng của tỉnh khấu trừ ngay khoản tiền thuế doanh nghiệp còn nợ khi doanh nghiệp được ngân sách thanh toán cho các khoản cung cấp hàng hóa, dịch vụ…

 

* Về giải pháp khắc phục tình trạng cấp thẻ bảo hiểm y tế:

 

Đồng chí Vũ Mạnh Phú, Giám đốc Sở Tài chính: Để khắc phục tình trạng cấp Thẻ BHYT trùng, đề nghị các huyện tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến các hộ gia đình trong từng thôn, xóm, tổ, các xã phường để nhân dân hiểu được quyền lợi khi cấp thẻ BHYT; các hộ cũng phải có trách nhiệm khai báo kịp thời khi có sự thay đổi. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý đối tượng ngay từ đơn vị lập danh sách. Thường xuyên tập huấn nghiệp vụ và quản lý cho đội ngũ cộng tác viên. Giao cho cấp xã, phường, thị trấn là đầu mối lập danh sách và chịu trách nhiệm về việc cấp phát thẻ BHYT cho các đối tượng. Tỉnh nên giao cho một ngành chịu trách nhiệm về việc tổng hợp danh sách và xét duyệt việc cấp thẻ BHYT để ký hợp đồng với BHXH tỉnh (cụ thể là ngành Lao động Thương binh và Xã hội). Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội tỉnh có trách nhiệm tăng cường công tác kiểm tra, rà soát nhằm phát hiện, chấn chỉnh xử lý kịp thời sai sót.