Mưa to tiếp tục gây ngập úng cục bộ

18:25, 10/07/2013

Rạng sáng 10-7, tại một số địa phương trong tỉnh đã có mưa cục bộ, kéo dài với lượng mưa cao nhất đo được tại Trạm Thủy văn Gia Bảy (lúc 6 giờ) là 106 mm, làm ngập úng nhiều diện tích lúa, hoa màu, gây sạt lở đất, chia cắt giao thông trên một số tuyến đường trong tỉnh. Địa phương chịu ảnh hưởng nhiều nhất của đợt mưa này là T.P Thái Nguyên.

Trên địa bàn T.P Thái Nguyên, một số tuyến đường chính như: Đường Minh Cầu ngập sâu 0,7m, đường Hoàng Văn Thụ (đoạn cổng trường Mầm non 19-5), đường Lương Ngọc Quyến (đoạn gần trường ĐHSP Thái Nguyên, cổng Bệnh viện Đa khoa TW, ngã 4 giao nhau với đường Phan Đình Phùng) ngập sâu 0,5m... Nguy hiểm hơn, mưa to còn gây sạt lở đất, đá ở 3 điểm: khu vực phía sau Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ của tỉnh sạt lở 15m3 đất, đá, làm sập bếp của gia đình bà Nông Thị Bích Đào, tổ 17, phường Hoàng Văn Thụ; phần ta luy của Đài tưởng niệm giáp phía sau nhà các hộ dân dài khoảng 30m, cao trung bình 6m, cách chân tháp Đài tưởng niệm 5m đã sạt lở và có nguy cơ sạt lở tiếp. Khu vực đồi Yên Ngựa sạt lở đất làm lấp tường nhà của 3 hộ dân tổ 1, phường Quang Trung; khu vực đồi Nguyễn Thị Năm đối diện UBND xã Đồng Bẩm sạt lở đất đã chôn vùi xưởng mộc của gia đình ông Phạm Trung Tín, xóm Ao Voi…

 

Tại huyện Đồng Hỷ, một số đoạn trên tuyến đường liên xã Hóa Thượng - Minh Lập bị ngập úng cục bộ. Đặc biệt, tại tuyến Quốc lộ 1B, đoạn qua xóm An Thái, xã Hóa Thượng, nước mưa không kịp thoát đã khiến cho đoạn đường  này ngập nhiều giờ đồng hồ, gây tắc nghẽn giao thông và làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Trước tình hình đó, Trung đoàn Vận tải 651 (Quân khu 1), đóng tại địa bàn xã Hóa Thượng đã bố trí lực lượng hướng dẫn các phương tiện giao thông đi vòng qua Trụ sở của Trung đoàn để tránh ùn tắc. Tại Khu vực Lòng Thuyền gồm các tổ: 18, 20, 21 của thị trấn Chùa Hang, nước mưa cũng gây ngập nhiều nhà và diện tích hoa màu làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Ông La Văn Hùng, ở tổ 20 cho biết: Tôi sống ở đây đã hơn 20 năm, hầu như năm nào nhà tôi cũng bị ngập khoảng 2-3 lần. Đợt mưa vừa rồi, gia đình tôi phải sơ tán đi ở nhờ mất hơn 1 ngày. Hiện nhà tôi vẫn đang bị nước tràn vào nhà, cả vườn táo khoảng 300 cây của gia đình cũng đang bị chìm trong nước.

 

Tại Võ Nhai, trong khi cả huyện còn chưa khắc phục xong thiệt hại do đợt mưa lũ trong các ngày 2 và 3-7 gây ra thì từ tối 8-7 đến trưa ngày 10-7, trên địa bàn huyện lại tiếp tục có mưa lớn, gây ngập úng, sạt lở đường giao thông và ảnh hưởng một số diện tích lúa mới cấy, chủ yếu tại các xã phía Nam của huyện. Bị ảnh hưởng nặng nhất là xã Phương Giao. Ông Dương Hữu Kiều, Chủ tịch UBND xã cho biết: Mưa lũ đã khiến giao thông từ trung tâm xã đi các cụm xóm Phù Trì và Xuất Tác bị tê liệt từ 9-7 đến sáng ngày 10-7. Hầu hết các tuyến đường đất trong xã đều bị sạt lở, bào mòn, 2 cầu tràn liên hợp trên địa bàn đã bị ngập sâu 2m.

 

Tại huyện Đại Từ, trận mưa sáng qua cũng đã gây ngập úng khoảng 2ha lúa mùa mới cấy và ảnh hưởng đến 7 hộ dân ở xóm Bãi Chè, xã An Khánh. Mực nước đo được tại vị trí sâu nhất trên đường liên xóm Bãi Chè – Nam Tiến (xã Phúc Hà, T.P Thái Nguyên) là khoảng 1m. Đến chiều 10-7, nước vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt. Tại huyện Phú Bình, mưa đã kéo dài từ đêm 8 đến chiều 9-7 làm hơn 40 ha lúa mùa thuộc các xã: Kha Sơn, Xuân Phương, Thanh Ninh, Úc Kỳ, Nhã Lộng, Hà Châu, Bảo Lý, Tân Khánh…bị ngập úng. Đến sáng 10-7, nước rút, diện tích lúa bị ngập trên địa bàn huyện còn khoảng 10ha nằm rải rác ở các xã ven sông Cầu.

 

Ngay sau khi mưa lớn gây ngập lụt xảy ra, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão các địa phương đã tổ chức lực lượng cùng nhân dân lên phương án khắc phục thiệt hại. T.P Thái Nguyên đã thành lập 3 đoàn đi kiểm tra thực tế tại các điểm ngập úng và sạt lở; trưng tập 6 xe ô tô của 4 đơn vị phục vụ đưa đón các thí sinh đến điểm thi đại học kịp thời; thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại do đất đá sạt lở, đề nghị các hộ dân tại các khu vực bị sạt lở di dời người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm; tiến hành khảo sát xây dựng kè tại khu vực sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Tại các địa phương khác trong tỉnh, lực lượng chức năng đã cùng nhân dân di chuyển người, tài sản của những hộ bị ảnh hưởng đến nơi an toàn, đồng thời giúp bà con nông dân sử dụng mạ dự phòng để cấy lại, cấy dặm đối với những diện tích lúa bị hỏng nặng ngay sau khi nước rút.   

 

Chiều 10-7, trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên, ông Bùi Tiến Chính, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão tỉnh cho biết: Lượng mưa cũng như diện mưa lần này tuy ít và hẹp hơn lần gần đây nhất (2 và 3-7-2013), nhưng cũng gây thiệt hại nhất định về kinh tế. Do thời gian ngập úng không kéo dài nên mức độ ảnh hưởng không quá nặng nề và khả năng khắc phục khả thi hơn. Tuy nhiên, thời tiết những ngày tới vẫn sẽ còn diễn biến phức tạp, nhiều khả năng mưa tiếp tục kéo dài. Bởi thế, các cấp chính quyền địa phương cũng như nhân dân cần chủ động phòng tránh thiên tai. Đối với người dân, nhất là ở các huyện miền núi, cần chủ động chằng néo nhà cửa đề phòng gió lốc; khi có mưa to, hạn chế ra đường, nhất là chỗ ngập úng sâu; có biện pháp khắc phục hoa màu ngay khi nước rút. Đối với các cấp chính quyền, cần rà soát các phương án phòng, chống lụt bão, lưu ý phương án 4 tại chỗ; kiểm tra bảo đảm an toàn hệ thống hầm mỏ trên địa bàn; lưu ý cắm biển cảnh báo các sông suối, công trình xây dựng dở dang để tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra.