Nhanh chóng khắc phục hậu quả ngập úng

17:34, 04/07/2013

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, vào đêm ngày 2, rạng sáng ngày 3-7, trên địa bàn tỉnh có mưa to kéo dài, gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhiều hộ dân. Đây là trận mưa được đánh giá là lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây, đã gây ngập úng hơn 600ha lúa, gần 1.300ha hoa màu, trên 500 nhà dân và làm sập đổ, hư hỏng nặng hàng chục ngôi nhà... Tổng thiệt hại ước tính trên 8 tỷ đồng.

Đã có trên 20km đường giao thông các loại đã bị ngập từ 0,2m đến 1,4m do mưa lớn gây ra, tập trung ở các tuyến đường nội thị T.P Thái Nguyên và Quốc lộ 1B… Theo ghi nhận của phóng viên, tại huyện Võ Nhai, xã La Hiên là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Theo báo cáo của UBND xã, hơn 50ha lúa chưa gặt và 0,5ha lúa vừa mới cấy cùng hàng chục ha hoa màu của người dân ở các xóm: Cây Bòng, Phố, Hang Hon, Hiên Minh, Làng Kèn, Hiên Bình, Đồng Đình… đã bị ngập trong nước; khoảng 1km Quốc lộ 1B chạy qua địa bàn xã bị ngập sâu hơn 1m khiến hoạt động giao thông bị ngưng trệ từ đêm 2-7 đến 14 giờ ngày 3-7, 1 cây cầu treo và 1 cây cầu gỗ bị nước lũ cuốn trôi… Tổng thiệt hại của địa phương ước tính lên đến trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, mưa lớn cũng làm Bưu điện huyện Võ Nhai bị ngập sâu trên 1m nước từ 22h đêm 2-7 đến chiều 3-7 khiến hoạt động của đơn vị phải tạm dừng. Ước tính tổng thiệt hại về tài sản của đơn vị này lên đến trên 550 triệu đồng.

 

Trận mưa lớn lúc rạng sáng ngày 3-7 đã làm sập 2/3 ngôi nhà của gia đình ông Phạm Văn Sang, xóm Ao Rôm II, xã Khe Mo (Đồng Hỷ).

 

Ông Bùi Tiến Chính, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (PCLB), Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB tỉnh cho biết: Điều đáng tiếc nhất là đợt mưa lớn xảy ra vừa qua trên địa bàn tỉnh đã làm 3 người tử vong (do bị sa chân xuống cống, bơi thuyền đi vớt củi, đuối nước) gồm: bà Vũ Thị Thắm, 53 tuổi, ở tổ 16 phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên); ông Hoàng Văn Khanh, 55 tuổi ở xóm Mỏ Đá, xã Linh Sơn, cháu Phạm Văn Đạt, 10 tuổi ở xóm Phúc Thành, xã Hóa Trung (Đồng Hỷ). Ban Chỉ huy PCLB tỉnh và các địa phương đã đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị thiệt mạng.

 

Huyện Võ Nhai là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lớn gây ra. Ngay sau khi úng lụt xảy ra, Ban Chỉ huy PCLB huyện Võ Nhai đã trực tiếp đi kiểm tra tại các địa phương và chỉ đạo công tác cứu hộ. Ông Đào Xuân Phượng, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ huy PCLB  huyện Võ Nhai cho biết: Chúng tôi đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại về tài sản, hoa màu của người dân để có phương án hỗ trợ theo quy định.

 

Sáng 4-7, có mặt tại khu tập thể nhà ở công nhân của Nhà máy Xi măng La Hiên, chúng tôi thấy lãnh đạo đơn vị đã đến động viên các gia đình là cán bộ, công nhân viên của Nhà máy có nhà bị ngập úng; huy động lực lượng hỗ trợ các gia đình vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa và ổn định cuộc sống; nhà bếp của Nhà máy nấu cơm phục vụ bữa cơm trưa cho các gia đình bị ảnh hưởng... Bà Vũ Thị Hạnh, công nhân của Nhà máy có nhà bị ngập cho biết: 20 năm rồi, khu tập thể này mới bị chìm trong nước như thế này. Đồ đạc trong nhà chúng tôi đều bị ướt hết, bùn đất tràn vào đầy nền nhà, thiết bị điện của các gia đình hầu như đều đã bị hỏng. Chúng tôi đang cố gắng khắc phục những thiệt hại để mau chóng ổn định cuộc sống trong một vài ngày tới.

 

Trên các tuyến đường giao thông ở T.P Thái Nguyên, nước đã rút hết. Chính quyền địa phương đã và đang tích cực hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra. Ông Ngô Danh Thùy, Phó Trưởng ban Chỉ huy PCLB, Tìm kiếm cứu nạn - Giảm nhẹ thiên tai, Phó Trưởng Phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên cho biết: Chúng tôi đã thành lập 3 đoàn đi kiểm tra tại các khu vực ngập úng, nguy cơ gây sạt lở để kịp thời đưa ra các biện pháp ứng cứu cũng như huy động lực lượng tại chỗ để sơ tán người, tài sản của một số hộ dân bị ngập sâu ra khỏi vùng nguy hiểm. Chỉ đạo các đơn vị thi công dọn dẹp vật tư, khơi thông dòng chảy, cắm biển cảnh báo ở những đoạn đường nguy hiểm. Bà Hoàng Thị Hương, một người dân sống trên đường Lương Ngọc Quyến (T.P Thái Nguyên), đoạn giáp với cổng trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên nhận định: Khu vực này bị ngập úng khá sâu, tuy nhiên, nước cũng rút đi khá nhanh và phần lớn nhà cửa, tài sản của các hộ dân ở đây đều không bị ảnh hưởng nhiều.

 

Tại các địa phương khác như Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương… trong sáng 4-7, lực lượng chức năng đã hỗ trợ người dân vận chuyển đồ đạc về nơi ở cũ; huy động lực lượng giúp đỡ bà con sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa…      

 

Chiều ngày 4-7, nhiều diện tích lúa trên địa bàn xã Sơn Cẩm (Phú Lương) vẫn bị ngập trong nước, khoảng 30 ha lúa sẽ phải cấy lại, ước tính thiệt hại về hoa màu của người dân trong xã khoảng 300 triệu đồng.

 

Đối với diện tích lúa, hoa màu bị ngập, một phần đã tiêu úng, một phần vẫn đang chìm trong nước. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Ngày 4-7 trời không mưa nên mức độ thiệt hại về lúa, hoa màu của bà con không đáng kể. Trong tình hình cấp bách như hiện tại, lãnh đạo Sở phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã đã nhanh chóng chỉ đạo các địa phương khắc phục hậu quả do mưa lớn gây ra. Cụ thể, đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát những diện tích lúa, hoa màu bị ngập. Những diện tích chưa tiêu thoát hết nước, hướng dẫn bà con khơi thông hệ thống kênh mương nội đồng. Tập trung vệ sinh đồng ruộng sau lụt úng và tích cực chăm sóc để lúa, hoa màu phục hồi. Diện tích nào bị trôi, sạt, chỉ đạo người dân gieo cấy bổ sung, vì hiện nay vẫn đang trong khung thời vụ gieo cấy lúa mùa. Cùng với đó, các hộ có diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại sẽ được hỗ trợ giá giống theo Quyết định 142 của Bộ NN và PTNT.

 

Các đơn vị chức năng của T.P Thái Nguyên đã lập rào chắn và cắm biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm. Trong ảnh: Biển báo và rào chắn tại đường thoát nước ở khu vực tổ 4, phường Phan Đình Phùng.

 

So với những trận thiên tai đã từng xảy ra trên địa bàn tỉnh trước đây, mức độ thiệt hại về tài sản do trận mưa  vừa qua gây ra không quá lớn, chỉ ở phạm vi cục bộ vì mưa không kéo dài. Tuy nhiên lại có thiệt hại về người mà lẽ ra không đáng có, cụ thể là trường hợp của bà Vũ Thị Thắm bị rơi xuống cống do sự tắc trách, không có biện pháp cảnh báo nguy hiểm tại công trường của đơn vị thi công. Đây là bài học cho những người có trách nhiệm, không thể chủ quan, lơ là trong mọi tình huống, tránh để xảy ra sự việc đáng tiếc như nêu trên.