Những ý kiến tâm huyết

10:48, 29/07/2013

Sáng nay (29/7), Kỳ họp thứ 7, H ĐND tỉnh khóa XII khai mạc. Để góp phần tuyên truyền phục vụ kỳ họp, Báo Thái Nguyên điện tử đăng tải một số ý kiến của các cử tri gửi tới kỳ họp, phản ánh tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị về nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương.

 

Có chính sách đặc thù để thu hút bác sĩ về cơ sở

 

Ông Vũ Hoài Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đại Từ: Huyện Đại Từ có 31 trạm y tế cấp xã, thị trấn, tuy nhiên mới có 22 bác sĩ tại 21 trạm, 10 trạm y tế cấp xã không có bác sĩ. Việc thiếu bác sĩ tại các trạm y tế ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh và ứng dụng các thiết bị y tế hiện đại. Một trong những nguyên nhân các bác sĩ không muốn về công tác tại trạm y tế cấp xã, thị trấn là nếu làm việc tại đây bác sĩ ít được tiếp cận với kỹ thuật y học hiện đại, khó phát huy được khả năng, năng lực, kiến thức đã học ở trường đại học. Theo tôi, Nhà nước cần có những chính sách đặc thù như: Chuyển số bác sĩ hợp đồng theo Quyết định số 58/TTg ngày 03 tháng 02 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ vào viên chức Nhà nước, khi đó các bác sĩ sẽ yên tâm công tác hơn và không thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Đồng thời, có chế độ ưu đãi đối với bác sĩ về công tác ở các xã, thị trấn về lương, thưởng và đào tạo...


Hỗ trợ kinh phí cho Ban Lâm nghiệp cấp xã

 

Ông Vũ Mạnh Hiền, Chủ tịch UBND xã Sơn Cẩm (Phú Lương):  Ban Lâm nghiệp xã có nhiều đóng góp vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương. Đây là bộ phận thường trực giúp UBND cấp xã giải quyết những công việc hằng ngày thuộc nhiệm vụ quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng cũng như phòng cháy, chữa cháy rừng cho nhân dân; giúp UBND cấp xã tổ chức cho các tổ quần chúng bảo vệ rừng hoạt động có hiệu quả; tham mưu với chính quyền cấp xã áp dụng các biện pháp ngăn chặn cần thiết và xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp theo quy định của pháp luật … Ban Lâm nghiệp xã được xác định là bộ phận gắn với chính quyền cấp xã và là “cơ quan” tham mưu cho UBND cấp xã thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng. Do đó, chúng tôi rất mong các cấp, ngành chức năng hỗ trợ kinh phí cho Ban Lâm nghiệp cấp xã hoạt động hiệu quả hơn.

 

Cần quan tâm giải quyết nợ xây dựng cơ bản

 

 

 

 

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Công ty CP Hải Đăng: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều dự án xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhằm từng bước cải thiện bộ mặt nông thôn. Trong quá trình đầu tư, ngoài nguồn ngân sách cấp ban đầu, một số dự án, công trình do các doanh nghiệp trúng thầu ứng vốn thi công. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành dự án, không ít doanh nghiệp đã gặp khó khăn bởi chưa được tỉnh thanh quyết toán, hoàn trả phần vốn đã ứng trước. Một số dự án, công trình đã được thanh toán nhưng vẫn còn thiếu hoặc kéo dài thời gian chi trả. Ngay như Công ty CP Hải Đăng, mặc dù đã hoàn thiện một số công trình giao thông, thủy lợi, nhưng hiện tỉnh vẫn còn nợ doanh nghiệp khoảng 22 tỷ đồng xây dựng cơ bản chưa thanh toán. Dự tính đến cuối năm nay số nợ sẽ tăng thêm khoảng 6 tỷ đồng. Bởi vậy, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh sớm quan tâm giải quyết các khoản nợ xây dựng cơ bản, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho nông thôn


 

Bà Nguyễn Thị Hiên, Trưởng xóm Thượng, xã Thuận Thành (Phổ Yên): Hiện nay, trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì các tiêu chí về xây dựng kết cấu hạ tầng như: hệ thống điện, đường, trường, trạm đối với bà con nông dân chúng tôi là khó khăn nhất vì nguồn vốn đầu tư lớn. Nhận thấy việc đầu tư xây dựng hạ sẽ tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi, hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp sẽ được vận chuyển và tiêu thụ dễ dàng hơn nên chúng tôi sẵn sàng hiến đất để xây dựng các công trình. Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước thì chúng tôi không thể làm được. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Nhà nước ưu tiên đầu tư các dự án xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng cho xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị tỉnh, huyện phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án như Hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng cường vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn... để chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao hơn.