LTS: Tại Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 mở rộng, các đại biểu đã chia thành 5 tổ thảo luận góp ý vào dự thảo Báo cáo kết quả sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010-2015. Phóng viên Báo Thái Nguyên lược ghi các ý kiến thảo luận nói trên.
Cần chỉ rõ yếu kém ở ngành nào, cấp nào?
Về các chỉ tiêu đã đạt được sau nửa nhiệm kỳ:
* Đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường: Cần tăng cường quản lý các dự án (DA) chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng. Các DA phải được đấu giá theo luật; các ngành cần tham mưu cụ thể hóa chính sách, vận dụng có hiệu quả để thực hiện được các DA.
* Đồng chí Trương Thị Huệ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Số liệu tổng hợp cần cụ thể hơn để làm rõ những vấn đề còn hạn chế. Chẳng hạn trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cần nêu rõ tạo việc làm mới là bao nhiêu; đào tạo lại là bao nhiêu, bởi trong đó có nhiều lao động đi học là để nâng cao tay nghề, thực chất họ đã có việc làm; cần nghiên cứu để có phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn sử dụng nhiều lao động để đào tạo nghề thiết thực, hiệu quả hơn…
* Đồng chí Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương: Lĩnh vực quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản còn hạn chế: Thủ tục cấp phép cho các DN khai thác còn chồng chéo, chưa chặt chẽ dẫn tới tài nguyên khoáng sản thất thoát, đóng góp ngân sách giảm; đời sống người dân ở các vùng có khoáng sản chưa cao.
* Đồng chí Đinh Khắc Hiển, Sở Công Thương: Nguồn tín dụng đầu tư cho các dự án thấp. Khâu giải phóng mặt bằng ở một số DA còn khó khăn: Như DA Núi Pháo còn 7 hộ chưa đồng ý di dời nằm trong vùng không thể tiến hành sử dụng vật liệu nổ để khai thác.
Một trong những nguyên nhân hạn chế, yếu kém là do quy hoạch
Phân tích nguyên nhân hạn chế, yếu kém sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết:
* Đồng chí Lê Đức Thành, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên kim loại màu: Quy định pháp luật về quản lý khoáng sản tương đối kín kẽ nhưng quá trình thực thi có lúc còn chưa minh bạch. Tỉnh cần nghiên cứu chính sách tổ chức chế biến khoáng sản tập trung, với trình độ công nghệ cao hơn mới theo kịp trào lưu chung.
* Đồng chí Nguyễn Đức Minh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Cần tập trung rà soát, điều chỉnh các quy hoạch gồm khu dân cư, công trình xây dựng, dự án chậm tiến độ trong thời gian dài… Nếu không hiệu quả, không có tính khả thi nên xem xét, mạnh dạn bỏ để hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và sự phát triển chung.
* Đồng chí Đoàn Khắc Hòa, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh: Nhiều DA quy hoạch xong nhưng không được triển khai thực hiện, hoặc quy hoạch không xác định thời gian đã ảnh hưởng đến sự phát triển, “đóng băng” nhiều hoạt động khác…
* Đồng chí Phạm Bình Định, Chánh Thanh tra tỉnh: Phân tích những kết quả chưa đạt được, cần nhấn mạnh nguyên nhân quan trọng là năng lực, trình độ chuyên môn của một số cán bộ yếu kém, trách nhiệm chưa cao trong công việc. Đề nghị bổ sung trong phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh: Thực hiện nghiêm kỷ cương, nguyên tắc của Đảng; kiên quyết xử lý với những trường hợp vi phạm, làm sai nguyên tắc. Đây là vấn đề đã được nhấn mạnh trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 nhưng lại chưa được nêu trong dự thảo báo cáo.
* Đồng chí Bùi Đức Cường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Đối với khối trường tiểu học, để đạt chuẩn 100% sẽ khó hoàn thành do nhiều nguyên nhân: còn nhiều phân trường, điểm trường ở vùng cao, vùng sâu; nguồn vốn đầu tư còn thấp… Bên cạnh đó, việc duy trì các trường đã đạt chuẩn cũng cần một lượng ngân sách không nhỏ, nhiều trường được xây dựng từ giai đoạn trước đã xuống cấp…
Công tác cán bộ vẫn là nhiệm vụ trọng tâm
Nhiều đại biểu góp ý vào các giải pháp thực hiện mục tiêu của nhiệm kỳ:
* Đồng chí Trần Dương Thịnh, Giám đốc Sở Nội vụ: Cần đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào thực tế sản xuất. Đây là nội dung đã được nêu ở rất nhiều báo cáo nhưng lại chưa có kế hoạch cụ thể, thực tế triển khai chưa được bao nhiêu. Thái Nguyên là trung tâm giáo dục, tập trung nhiều trường đại học của cả nước nhưng tỉnh lại chưa tận dụng được lợi thế này trong việc thu hút nhân lực có trình độ cũng như chuyên giao khoa học - kỹ thuật.
* Đồng chí Dương Xuân Hùng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh: Cần có những giải pháp tích cực tháo gỡ khó khăn và chia sẻ đối với DN, động viên người lao động bám trụ cùng vượt qua khó khăn với DN. Đối với các DA có tác động mạnh đến xã hội, nhất là những DA mới, ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng dân cư, cần đánh giá kỹ tác động về môi trường.
* Đồng chí Nguyễn Vy Hồng, Bí thư Huyện ủy Phú Lương: Trong nhiều năm qua, biên chế cho khối Đảng, đoàn thể chưa đáp ứng. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chưa có nhiều đổi mới, các hoạt động chưa sát thực tế nên hiệu quả chưa cao. Công tác luân chuyển cán bộ hạn chế; một số chức danh bầu từ đầu nhiệm kỳ nên chỉ khi khuyết cán bộ nghỉ hưu, bị kỷ luật mới thay, không có biên chế để chủ động sắp xếp cán bộ. Tỉnh đã thực hiện chính sách ưu tiên người tài, thủ khoa... tuy nhiên, không có biên chế nên không thể tiếp nhận được.
Cần làm rõ các giải pháp xây dựng NTM
Vấn đề xây dựng NTM cũng được các đại biểu quan tâm:
* Đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nhiều chỉ tiêu xây dựng NTM rất khó hoàn thành; cần làm rõ các giải pháp xây dựng NTM, trong đó có lồng ghép với các phong trào; đề nghị bố trí thêm nguồn lực để xây dựng NTM.
* Đồng chí Đoàn Thị Hảo, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Hiện nay, trong số 35 xã điểm, mới có 3 xã trong nhóm đạt từ 14 tiêu chí trở lên, phần lớn thuộc nhóm đạt từ 9 đến 13 tiêu chí. Qua giám sát của HĐND tỉnh, hầu hết các địa phương gặp khó về vốn đầu tư, nguồn lực con người, cán bộ chuyên trách để xây dựng NTM.
* Đồng chí Nguyễn Văn Khoa, Bí thư Huyện ủy Phổ Yên: Huyện có 4 xã làm điểm xây dựng NTM, đến năm 2015 có thể hoàn thành các tiêu chí nhưng không vững chắc. Để thực hiện được, nếu chỉ phân bổ nguồn vốn như hiện nay rất khó thực hiện; đề nghị Tỉnh ủy có cơ chế để địa phương được vay xi măng, cần “mềm mại” hóa khái niệm về “đất lúa”…