Tăng cường quản lý chặt chẽ tài nguyên, khoáng sản, môi trường

10:56, 01/07/2013

10 năm - một chặng đường phát triển chưa dài nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên đã đạt được những thành tích đáng tự hào. Nhân dịp Kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập, ngành vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Đây là phần thưởng cao quý ghi nhận những đóng góp không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong ngành; khích lệ họ tiếp tục nỗ lực hơn nữa nhằm góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Ngày đầu mới thành lập, biên chế Sở Tài nguyên và Môi trường có 120 cán bộ, công chức, viên chức với 7 phòng chuyên môn và 3 đơn vị trực thuộc, hệ thống tổ chức bộ máy của Ngành từ tỉnh đến cơ sở chưa được hoàn thiện; khối lượng công việc thì lớn, liên quan đến nhiều vấn đề phức tạp... Trước những khó khăn đó, Sở xác định, cán bộ là gốc của mọi công việc nên đã tập trung kiện toàn đội ngũ từ tỉnh đến cơ sở, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Sau 10 năm thành lập, đến nay, bộ máy đã phát triển lên 6 phòng chuyên môn, 1 chi cục, 7 đơn vị trực thuộc với gần 300 cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực, trình độ và tính chuyên ngành đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

 

Là cơ quan quản lý Nhà nước đa ngành, đa mục tiêu, liên quan đến nhiều vấn đề phức tạp như đất đai, tài nguyên khoáng sản nên việc thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ hoạt động quản lý, điều hành được ngành Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên đặt lên hàng đầu. Sở đã công khai bộ thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực tại bộ phận “một cửa”, đặc biệt là bố trí cán bộ làm việc, trang bị phương tiện kỹ thuật hợp lý, gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường cũng như đảm bảo tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian đi lại cho các tổ chức, công dân. Qua đó, đã làm thay đổi hẳn cách nhìn của người dân cũng như các nhà đầu tư đối với cán bộ ngành Tài nguyên và Môi trường. Theo đó là thực hiện tốt nhiệm vụ trên các mặt công tác: Quản lý Nhà nước về tài nguyên đất, nước, khoáng sản, bảo vệ môi trường, khí tượng thủy văn và đo đạc bản đồ. Trong đó, nổi bật là công tác quản lý đo đạc bản đồ và quản lý đất đai. Hết năm 2012, toàn tỉnh đã đo đạc bản đồ khép kín được 162/182 xã, với diện tích trên 320.000ha, đạt 91% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, toàn tỉnh đến nay cấp được trên 75% diện tích cần cấp, phấn đấu đến cuối năm nay sẽ cấp được 85% diện tích đất cần cấp.

 

 Trong lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản, Sở đã xây dựng Đề án tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 với nhiều biện pháp tích cực, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, nên việc quản lý cơ bản đã đi vào nền nếp. Hiện, cơ bản các loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được lập quy hoạch thăm dò, khai thác làm cơ sở cho công tác quản lý. Công tác cấp giấy phép hoạt động khoáng sản được thực hiện chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo cho việc khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản. Đối với công tác quản lý tài nguyên nước, Sở đã triển khai công tác lập Quy hoạch Phân bổ và bảo vệ nguồn tài nguyên nước mặt trên phạm vi toàn tỉnh; Quy hoạch phân bổ và bảo vệ nguồn nước dưới đất khu vực phía nam tỉnh. Riêng về công tác quản lý môi trường trên địa bàn được Sở quan tâm chỉ đạo thực hiện với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị. Bộ máy quản lý Nhà nước về môi trường được tăng cường từ tỉnh đến huyện. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường đã được cụ thể hoá bằng các chương trình, kế hoạch hành động và được triển khai, phổ biến đến các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư.

 

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, việc giải quyết đơn thưtuy là công việc rất khó khăn phức tạp nhưng đã có nhiều tiến bộ; chất lượng giải quyết đơn thư năm sau tốt hơn năm trước. 10 năm, ngành đã tiến hành 224 cuộc thanh tra, kiểm tra ở 304 đơn vị, tổ chức. Qua đó đã phát hiện nhiều sai phạm, thu hồi vào ngân sách Nhà nước gần 9 tỷ đồng; xử lý vi phạm hành chính trên 2 tỷ đồng.Ngành cũng đã tiếp nhận, giải quyết 293 đơn thư thuộc thẩm quyền với tỷ lệ giải quyết hằng năm đạt từ 97% đến 100%.

 

Ông Đoàn Văn Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng thời gian tới, Ngành vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều. Nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường vẫn còn gặp không ít khó khăn. Bởi vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, chúng tôi sẽ hướng quản lý đất đai bằng công nghệ thông tin; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để giải quyết tận gốc những vướng mắc, giảm phiền hà cho nhân dân. Cùng với đó là tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên, khoáng sản; thực hiện chế biến sâu, tập trung làm tốt công tác xử lý nguồn ô nhiễm để không ảnh hưởng đến môi trường. Đặc biệt, thực hiện tốt các giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu để bảo vệ môi trường sống một cách bền vững.