Thái Nguyên: Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong việc thực hiện Nghị quyết TW 7

13:21, 20/07/2013

Sáng 20-7, tại Văn phòng UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết TW 7 (NQTW7) của tỉnh do đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban đã tổ chức họp Ban Chỉ đạo, lấy ý kiến vào dự thảo để hoàn thiện Báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện NQTW7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Dự thảo Báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện NQTW7 của tỉnh nhấn mạnh: Sau những nỗ lực triển khai của các cấp, các ngành, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo được phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh, đạt được kết quả khả quan trên tất cả các lĩnh vực. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp đạt 5,75%/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch 1,25%. Cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỉ trọng nông nghiệp, tăng dần tỉ trọng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, xây dựng. Các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện…  

 

Dự thảo Báo cáo cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới, đó là: Công tác quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết ở một số cơ quan, địa phương còn hình thức, dẫn tới hiệu quả chưa cao. Các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội tham gia chưa tích cực; một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Một số nội dung về phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, cụ thể như việc chuyển dịch cơ cấu nội ngành còn chậm; ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế; chưa có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông nghiệp còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết; ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn có chiều hướng gia tăng, nhất là ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi; nhiều địa phương còn lúng túng trong định hướng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ngoài ra, kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn khá khiêm tốn: Việc triển khai quy hoạch nông thôn mới còn chậm so với kế hoạch, chất lượng quy hoạch chưa đảm bảo, nhất là quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, chưa gắn với mục tiêu kinh tế - xã hội địa phương, thiếu liên kết vùng; vẫn còn nhiều xã chưa công bố công khai quy hoạch nông thôn mới, chưa cắm mốc chỉ giới quy hoạch; tiến độ triển khai các tiêu chí còn chậm, đến nay vẫn chưa có xã nào trong tỉnh hoàn thành tất cả các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới…

 

Sau khi nghe các ý kiến tham góp của các thành viên Ban Chỉ đạo, đồng chí Đặng Viết Thuần, Trưởng Ban Chỉ đạo đã phát biểu ý kiến, chỉ rõ thêm một số tồn tại, hạn chế, trong đó nhấn mạnh tới vấn đề chậm phát hiện, điều chỉnh cơ chế chính sách, nhất là về thủ tục thanh, quyết toán, thủ tục đất đai đối với xây dựng nông thôn mới. Về mục tiêu, giải pháp, đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo cũng lưu ý, cần phải bổ sung những giải pháp mới, thật sự trọng tâm, cụ thể, gắn với thực tiễn địa phương, không chung chung dẫn đến khó thực hiện. Đồng chí cho rằng cần phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về vấn đề xây dựng nông thôn mới; ban hành đồng bộ các văn bản chỉ đạo, triển khai để các sở, ngành, địa phương thống nhất thực hiện; kiểm tra kết quả tuyên truyền, phổ biến NQTW7 ở địa phương, tiến hành sơ kết Chương trình xây dựng nông thôn mới đối với một số địa bàn trọng tâm…