Chú trọng xây dựng thương hiệu và đào tạo theo nhu cầu của xã hội

09:14, 24/08/2013

Đây là vấn đề đồng chí Hà Hùng Cường, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp hết sức lưu ý đối với các trường trung cấp luật thuộc Bộ tại Hội nghị sơ kết công tác tổ chức và hoạt động của các trường, được tổ chức tại Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên hôm 23-8. Dự Hội nghị, về phía tỉnh có các đồng chí: Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có đại diện Sở Tư pháp một số tỉnh phía Bắc, Trường Trung cấp Luật các tỉnh: Thái Nguyên, Hậu Giang, Đắk Lắk, Quảng Bình và Sơn La.

Thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp tới năm 2020, từ năm 2009 đến tháng 7-2013, Bộ Tư pháp đã mở 5 trường trung cấp luật ở các tỉnh: Thái Nguyên, Đắk Lắk, Hậu Giang, Sơn La và Quảng Bình. Đến nay, cả 5 trường đã đi vào hoạt động với 225 cán bộ, giáo viên và trên 3.300 học viên. Đã có trên 360 học sinh của Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) tốt nghiệp ra trường và phần lớn đã được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan tư pháp ở địa phương. Số lượng thí sinh đăng ký thi tuyển vào các trường ngày một đông… Là một trong những trường có chất lượng tuyển sinh hàng đầu trong số các trường trung cấp luật trên cả nước, tính đến ngày 15/8/2013, Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên đã tuyển sinh và đào tạo được 2 khóa với gần 1.250 học sinh (khóa 3 đang nhập học với gần 600 học sinh).

 

 

Thảo luận tại Hội nghị, đại diện các trường đã nêu lên những thuận lợi, khó khăn qua 3 năm đi vào hoạt động.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định chủ trương thành lập hệ thống các trường trung cấp luật là hoàn toàn đúng đắn. Bộ trưởng cũng chia sẻ với những khó khăn mà các trường đang gặp phải và cho biết Bộ Tư pháp sẽ từng bước chỉ đạo, hỗ trợ để các trường tháo gỡ khó khăn, ngày càng phát triển, nâng cao hiệu quả đào tạo. Trước mắt, để tháo gỡ được những khó khăn này, Bộ trưởng yêu cầu các trường cần chú trọng xây dựng thương hiệu, học phải đi đôi với hành, tập trung đào tạo theo nhu cầu của xã hội, sát với yêu cầu thực tiễn cuộc sống.