Tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 5

11:25, 05/08/2013

Mặc dù cơn bão số 5 đã đi qua nhưng do nước từ khu vực thượng nguồn đổ về đã khiến cho trên 893ha lúa mùa và hoa màu của huyện Phú Bình bị ngập úng cục bộ.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão huyện Phú Bình, vào thời điểm 0 giờ ngày 5/8 mực nước sông Cầu tại xã Hà Châu đã dâng lên trên mức báo động 1 là 0,5 mét. Đến 11giờ trưa ngày 5/8, toàn huyện có 893,30 ha lúa và hoa màu bị ngập úng. Trong đó: diện tích lúa là 590,6ha; diện tích cây màu là 302,80 ha; ngoài ra nhiều tuyến kênh mương, cầu cống cũng bị hư hỏng nặng… Ước tính tổng giá trị thiệt hại khoảng 4,1 tỷ đồng.

 

 

 

 Đến 10h sáng ngày 5/8, tuyến đường giao thông xóm Huống, xã Thượng Đình (Phú Bình) vẫn bị ngập sâu khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

 

Trưa ngày 5/8, trên địa bàn huyện vẫn có mưa lớn, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện đang tiếp tục đi kiểm tra, theo dõi các điểm xảy ra ngập úng và những đoạn bờ sông có nguy cơ sạt lở cao, đồng thời chỉ đạo các địa phương tích cực triển khai các biện pháp tiêu úng cho lúa và hoa màu để hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra. Đối với những nơi nước đã rút, các ngành chức năng của huyện đang thống kê cụ thể tình hình thiệt hại để có phương án hỗ trợ kịp thời cho người dân.

 

*Tại Định Hóa, theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện, có 2 nhà dân bị ta-luy đất sạt lở làm thiệt hại về nhà ở và tài sản, 1 nhà bị tốc mái và 16 nhà nằm trong vùng có nguy cơ cao sạt lở đất; 174,73ha lúa và hoa màu bị ngập úng; xảy ra 25 điểm sạt lở tại các tuyến đường giao thông, sông suối, gây ách tắc đường giao thông với khối lượng đất đá lớn; 4 đập thủy lợi và một số tuyến kênh mương bị đứt gãy, sạt lở... Tổng thiệt hại ước tính khoảng 12 tỷ đồng (số liệu thống kê tính đến 13 giờ, ngày 4/8)

 

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, ngày 4/8, UBND huyện đa chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão của huyện đã thành lập 4 đoàn đi kiểm tra tình hình thiệt hại do cơn bão số 5 gây ra tại địa bàn 24/24 xã, thị trấn, đồng thời chỉ đạo các địa phương thống kê, báo cáo đầy đủ các thiệt hại do cơn bão gây ra và kịp thời khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân.

 

* Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, vào khoảng 9 giờ 30 phút ngày 4/8, ngôi nhà cấp bốn của bà Phan Thị Quế, 89 tuổi, xóm Núi Nến, xã Phúc Xuân, T.P Thái Nguyên đã bị tốc mái và đổ 2/3 ngôi nhà. Nhận được tin báo, chiều cùng ngày, đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã đến thăm hỏi, động viên và trao 3 triệu đồng để hỗ trợ gia đình bà Quế khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời chỉ đạo chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về chỗ ở cho gia đình bà. Nhân dịp này, Hội Chữ thập đỏ thành phố cũng đã hỗ trợ  1 triệu đồng cho gia đình bà Quế.

                                   

Tại huyện Đại Từ: Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, tại xóm Đồng Tiến, xã Tân Thái (Đại Từ) đã xảy ra sạt lở đất. Khu vực này cũng đang xuất hiện vết nứt lớn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất trên diện rộng.

 

Theo ông Trần Văn Tiếp, người dân sống trong vùng bị sạt lở đất, khoảng 14 giờ ngày 4/8, tại bãi chè của gia đình, vị trí cách nhà hơn 100m xuất hiện vết nứt dọc theo ngôi nhà rộng từ 10 đến 20cm. Đến 17 giờ cùng ngày, khoảng hơn 200m3 đất đá từ trên đồi phía sau ngôi nhà bị sạt xuống. May mắn là ngôi nhà của gia đình ông Tiếp được xây dựng kiên cố nên không gây thiệt hại về người và tài sản.

 

Ngoài ra, ngay sát khu vực sạt lở, tại khu vực đồi chè của gia đình ông Tiếp cũng đã xuất hiện vết nứt khác dài khoảng 150m, rộng từ 15 đến 20 cm. Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Giảm nhẹ thiên tai (PCLB&GNTT) xã Tân Thái, khu vực này có nguy cơ sạt lở cao, 8 hộ dân với hơn 30 nhân khẩu có nhà ở phía dưới đồi có khả năng bị vùi lấp. Chiều 4/8 và sáng 5/8, Ban Chỉ huy PCLB&GNTT huyện đã có mặt, kết hợp cùng chính quyền xã huy động lực lượng dân quân, công an di dời các hộ nằm trong khu vực nguy hiểm. Đồng thời, báo cáo lên cấp trên để có phương án xử lý kịp thời.

 

*Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão huyện Đồng Hỷ, trong đợt mưa bão ngày 3 và 4/8, toàn huyện có khoảng 350ha lúa và hoa màu bị ngập sâu trong nước, 5 ngôi nhà bị sập, 150 ngôi nhà bị ngập lụt, nhiều đoạn đường tỉnh lộ 269, đường liên xóm, liên xã bị ngập sâu gây ách tắc giao thông. Trong đó, thiệt hại chủ yếu tập trung ở những xã ven sông Cầu và địa bàn miền núi, vùng cao như: Văn Hán, Tân Long, Linh Sơn, Huống Thượng… Đến ngày 5/8, tuy nước sông Cầu đã rút nhưng trên địa bàn huyện vẫn có khoảng hơn 100ha lúa, hoa màu và gần 20 nhà dân ở những vùng trũng bị ngập lụt; một số tuyến đường ở xóm Cậy (xã Huống Thượng) còn ngập trong nước.

 

Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - giảm nhẹ thiên tai của huyện cho biết: Hiện nay, huyện đang chỉ đạo các địa phương tập trung khắc phục hậu quả mưa bão. Cụ thể, đối với diện tích bị ngập úng có thể khắc phục được thì khẩn trương rửa trôi bùn đất cho cây, với những diện tích không khắc phục được cần làm đất và chọn giống cây trồng phù hợp để trồng thay thế. Với những ngôi nhà bị ngập nước cần được rửa, vệ sinh sạch sẽ để tránh các mầm bệnh cho người; khắc phục nhanh những căn nhà bị đổ để ổn định chỗ ở cho người dân. Huyện cũng đang tiến hành làm các thủ tục hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại sau cơn bão.