Thực hiện Nghị quyết TW7: Kinh nghiệm và cách làm

09:51, 28/08/2013

Tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết TW 7 (khóa X) về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh, đã có nhiều ý kiến tham luận nêu bật những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm ở mỗi cấp, ngành, địa phương. Báo Thái Nguyên lược ghi một số tham luận.

Vận động nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới

Đ/c Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: 5 năm qua, Ủy ban MTTQ tỉnh đã chỉ đạo các Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết để xây dựng nông thôn mới. Qua đó đã vận động nhân dân hiến hàng trăm héc ta đất và nhiều ngày công lao động xây dựng các công trình hạ tầng dân sinh. Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và Chương trình an sinh xã hội tiếp tục được MTTQ tỉnh mở rộng cả về quy mô lẫn đối tượng vận động. 5 năm qua Quỹ vì người nghèo của tỉnh đã huy động được 21,8 tỷ đồng; hỗ trợ 14,5 tỷ đồng cho người nghèo làm nhà ở, bố trí vốn sản xuất và giúp đỡ học sinh, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Quỹ đền ơn đáp nghĩa của tỉnh cũng đã đạt 16,4 tỷ đồng, hỗ trợ và sửa chữa được 705 nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, người có công…
 
 

 

Tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội

Đ/c Nguyễn Văn Nhâm, Bí thư Huyện ủy Đại Từ:
Qua triển khai Nghị quyết TW 7, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt khá cao, bình quân 3 năm (2011 đến 2013) đạt 14,2%. Trong 5 năm qua, huyện đã huy động được 1.500 tỷ đồng đầu tư xây dựng 400km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa được 71km kênh mương; cải tạo, nâng cấp 98 trường học, xây dựng được 5 khu dân cư và xây mới được 2.145 căn nhà cho hộ nghèo. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện toàn huyện có 74 trường đạt chuẩn Quốc gia, 23 xã, thị trấn đạt chuẩn về y tế. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, hiện tại huyện đã có 1 xã đạt 15 tiêu chí, 6 xã đạt 10 tiêu chí và 17 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí.

 

 

Chỉ đạo công tác tuyên truyền hiệu quả

Đ/c Trần Xuân Hựu, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Thời gian qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thường xuyên chỉ đạo, định hướng tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng về Nghị quyết TW 7. Trong đó, đóng góp quan trọng cho công tác tuyên truyền là Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, các đài truyền thanh địa phương, hệ thống các loa truyền thanh cơ sở, các bản thông tin nội bộ... Ngoài ra, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo các địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền, học tập về Nghị quyết TW 7. Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 799 hội nghị tuyên truyền Nghị quyết. Hình thức tuyên tuyền ngày càng phong phú và đa dạng, nội dung tuyên truyền nhiều chiều, phản ánh cả mặt làm được và những mặt còn khiếm khuyết, tồn tại, từ đó chỉ ra những giải pháp khắc phục kịp thời.
 
 
 

 

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững

Đ/c Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Trong sản xuất cây lương thực, Ngành chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tăng năng suất, chất lượng, sử dụng giống lúa ngăn ngày, tăng tỉ lệ lúa lai, lúa thuần chất lượng cao. Về sản xuất cây chè, ngành tập trung phát triển theo hướng ổn định diện tích, phát triển chè xanh và chè xanh chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Về chăn nuôi, ngành định hướng phát triển theo hướng trang trại tập trung, tăng tỉ lệ giống ngoại. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, ngành chủ trương nâng cao chất lượng rừng phòng hộ, đặc dụng, đẩy mạnh phát triển rừng sản xuất. Đối với lĩnh vực thủy sản, chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng giống bản địa, đẩy mạnh thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng. Nhờ đó, hàng năm sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
 
 

 

Đi đầu trong xây dựng nông thôn mới


Đ/c Nguyễn Hải Khê, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh:
Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua về thực hiện Nghị quyết TW 7. Hội đã vận động hàng nghìn hộ dân nông thôn tham gia hiến được trên 830.000m2 đất để làm đường; đóng góp trên 117.000 ngày công lao động, đối ứng kiên cố trên 628km đường bê tông, 107km kênh mương. Các phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được triển khai toàn diện và đi vào chiều sâu. Nhiều hộ nông dân đã có thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Đạt được kết quả trên là nhờ các tổ chức Hội nông dân tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới; tích cực hỗ trợ hội viên nông dân về vốn, giống và khoa học kỹ thuật; duy trì các phong trào thi đua, nâng cao trách nhiệm cán bộ cơ sở trong triển khai thực hiện Nghị quyết.
 
 

 

Nâng cao thu nhập cho người nông dân

Đ/c Vương Sĩ Tạo, Chủ tịch UBND xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên): Xác định cây chè là cây trồng mũi nhọn của địa phương, những năm qua xã đã tập trung cải tạo giống chè, áp dụng khoa học kỹ thuật và đầu tư công nghệ chế biến hiện đại để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, xã đã triển khai sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap để nâng giá trị của cây chè. Từ chỗ 1kg chè Tân Cương trước đây chỉ bán với giá vài trăm nghìn đồng, đến nay có gia đình đã bán được từ 3 đến 3,5 triệu đồng/kg. Cùng với cây chè, nông dân trong xã đã đầu tư được 44 trang trại, trong đó có 42 trang trại chăn nuôi gà và 2 trang trại chăn nuôi lợn. Hiện tại thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 22 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,1% (theo tiêu chí mới).
 
 

 

Phát triển mạnh trang trại, gia trại


Đ/c Lý Quảng Nam, Chủ tịch UBND xã Phấn Mễ (Phú Lương): Trong triển khai xây dựng nông thôn mới, ngoài cải thiện mạnh mẽ về hạ tầng nâng thôn, 5 năm qua xã Phấn Mễ đã tạo được bước đột phá về phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Trước năm 2008, toàn xã chỉ có 22 trang trại, gia trại, nhưng đến nay xã đã có trên 200 trang trại chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp. Mỗi năm, sản phẩm thịt hơi xuất ra thị trường từ các trang trại trên 4.700 tấn các loại. Qua đó, đã góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Hơn thế, từ phát triển kinh tế trang trại đã từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân, từ chỗ sản xuất manh mún theo kiểu tự cung tự cấp, đến nay đã chuyển sang sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung.