Xây dựng mô hình nhân nuôi, sử dụng nấm xanh phòng trừ rầy hại lúa

10:55, 22/08/2013

Hiện nay, Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh đang triển khai Dự án Xây dựng mô hình nhân nuôi và sử dụng nấm xanh phòng trừ rầy hại lúa. Đây là Dự án do Sở Khoa học và Công nghệ quản lý với kinh phí thực hiện gần 181 triệu đồng, được trích từ nguồn sự nghiệp khoa học của tỉnh. Dự án sẽ được thực hiện từ nay đến hết tháng 8-2015.

Trung bình mỗi năm, tỉnh ta gieo cấy được khoảng 70 nghìn ha lúa thì diện tích nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng lên đến trên 8.000ha. Riêng năm 2012, diện tích lúa nhiễm rầy là 8.513ha, trong đó vụ xuân có 6.109ha, vụ mùa có 2.404ha. Diện tích lúa bị nhiễm rầy nếu không phòng, trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng lúa. Do vậy, việc xây dựng mô hình nhân nuôi và sử dụng nấm xanh phòng trừ rầy hại lúa đang là yêu cầu cấp bách hiện nay và đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều nông dân. Nấm xanh được thực hiện nuôi cấy tại hộ nông dân với trang thiết bị đơn giản: tủ cấy tự chế, nồi nhôm hấp tiệt trùng, lò đốt than đá… Nguyên liệu sản xuất nấm xanh có sẵn trên thị trường: gạo, bọc ni lông chịu nhiệt, bông... Sử dụng nấm xanh cho hiệu quả phòng trừ rầy ở ngoài đồng là rất cao, góp phần khắc phục được hiện tượng tái bộc phát rầy hại lúa ở lứa sau. Đây là biện pháp đã được nhiều tỉnh trong cả nước áp dụng, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường và từng bước tiến tới sản xuất lúa theo hướng bền vững.