Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nghe và cho ý kiến vào một số đề án, báo cáo

18:19, 24/09/2013

Ngày 24-9, đồng chí Nguyễn Đình Phách, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy để cho ý kiến vào một số đề án, báo cáo (ảnh).

 

Tải về bộ xem flash để có thể xem video này.

 

Báo cáo kết quả 2 năm triển khai thực hiện Đề án số 08-ĐA/TU của Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng và hiệu quả  thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở giai đoạn 2011-2015” cho thấy: Việc thực hiện Quy chế trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo và đẩy mạnh thực hiện, chất lượng và hiệu quả thực hành từng bước được nâng lên. Kết quả, 98,7/100% cán bộ, đảng viên, người lao động và trên 86% người dân (trên chỉ tiêu 70%) được quán triệt, học tập Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; 95/100% số xóm, bản, tổ dân phố có quy ước, hương ước…

Các đại biểu và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cơ bản nhất trí với các nội dung, đánh giá đưa ra trong Báo cáo. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án số 08 của tỉnh tiếp thu ý kiến của các đại biểu; việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện Quy chế ở cơ sở cần đánh giá đúng chất lượng, bản chất, tránh dân chủ hình thức.

Hội nghị cũng đã nghe Tờ trình về Đề án hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2020. Theo đó, có 1 di tích Quốc gia đặc biệt (gồm 14 điểm), 9 di tích cấp Quốc gia, 40 di tích cấp tỉnh và 8 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu cần được đầu tư tôn tạo. Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 92,5 tỷ đồng, được chia thành 2 giai đoạn: 2014-2015 và 2016-2020. Các đại biểu cho rằng việc đầu tư tôn tạo, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa là cần thiết nhưng cần phân kỳ, phân loại rõ từng di tích để ưu tiên tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; vấn đề quy hoạch phục vụ việc tôn tạo, bảo tồn cần công khai rõ ràng trong nhân dân… Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cơ quan chức năng tiếp tục chỉnh sửa hoàn thiện Đề án và trình lên HĐND, UBND tỉnh phê duyệt; từ nay đến năm 2015 cần tập trung khảo sát, quy hoạch xong các di tích; riêng đối với Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa cần dựa vào Quyết định phê duyệt quy hoạch của Chính phủ để triển khai.

Đối với Đề án Phát triển công nghệ cao, công nghệ công nghiệp thông tin, điện tử (CNTT&ĐT) và hạ tầng thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đến năm 2020 và các năm tiếp theo được áp dụng đối với các hoạt động quản lý, đầu tư sản xuất, kinh doanh và dịch vụ thuộc ngành CNTT&ĐT trên địa bàn tỉnh. Quy mô sử dụng đất của Đề án là 600ha, trong đó 400ha cho Khu Công nghiệp công nghệ cao Yên Bình và 200ha cho Công viên phần mềm nội dung số Quyết Thắng tại Khu công nghiệp Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên). Kinh phí thực hiện Đề án là 321,3 tỷ đồng. Sau khi nghe ý kiến của một số đại biểu, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Đề án cần xác định được những nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi; gắn Đề án với tình hình thực tế của địa phương và lưu ý việc phối hợp với Đại học Thái Nguyên, các Bộ, ngành Trung ương để triển khai thực hiện; cần đào tạo được nguồn nhân lực công nghệ cao…

Về công tác chuẩn bị các hoạt động tại Festival Trà lần thứ hai đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cơ bản diễn ra theo kế hoạch. Tuy nhiên, một số hoạt động triển khai còn chậm, như: Công tác tuyên truyền trực quan, mời các đoàn quốc tế, vận động tài trợ, chuẩn bị tổ chức cuộc thi Người đẹp xứ Trà. Ở nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Trong tháng 10, Ban Tổ chức phải cụ thể hóa các nhiệm vụ, tiến độ cho các ngày diễn ra Festival; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Tổ chức; nếu cần thì bổ sung kinh phí để đảm bảo cho những hoạt động phát sinh diễn ra nhưng vẫn phải đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí…