Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi

10:51, 10/09/2013

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn: một số đối tượng dịch hại như rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, bệnh khô vằn đang phát triển mạnh và có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho lúa mùa; xuất hiện đàn chó dại cắn 246 người; dịch bệnh lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm tiềm ẩn...

Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại gây ra, ngày 10-9, UBND tỉnh đã có chỉ thị số 21 về việc tăng cường sản xuất nông nghiệp năm 2013. Trong đó, yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thành, thị phân công lãnh đạo, cán bộ tăng cường xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc, làm tốt công tác dự thính, dự báo, kịp thời hướng dẫn nông dân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh an toàn, hiệu quả; chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo đúng quy định của Trung ương, tỉnh.

Chi cục Thủy lợi và PCLB tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ, kiểm tra các hồ chứa nước trên địa bàn, kịp thời phối hợp với ngành, địa phương dự báo và chủ động xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Chi cục Thú y tăng cường công tác phòng chống bệnh dại trên động vật, tích cực kiểm tra, nắm các cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại do mưa lớn gây ra, báo cáo để UBND tỉnh có các biện pháp chỉ đạo kịp thời.

Theo đó, UBND các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh chỉ đạo các cơ quan của huyện, UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm pháp lệnh về Bảo vệ thực vật, Thú y và thực hiện các Quyết định về phòng dịch khẩn cấp về thú y và quy định quản lý thuốc Bảo vệ thực vật của tỉnh đã ban hành. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu không chỉ đạo sát sao làm ảnh hưởng đến sản lượng lương thực năm 2013 của tỉnh….

Cũng theo Chỉ thị này, các ban, ngành liên quan cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp thực hiện nhiệm vụ được giao để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu đã đề ra trong 2013.