Kiểm tra các công trình nước sinh hoạt tập trung ở Đại Từ

15:10, 09/09/2013

Ngày 9-9, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra các công trình nước sinh hoạt tập trung đầu tư theo Chương trình 134, 1592 và các chương trình khác cùng đầu tư trên địa bàn huyện Đại Từ.

Tổng số các công trình đã được UBND tỉnh giao thực hiện trên địa bàn huyện Đại Từ theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, Quyết định số 1592/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và do tỉnh đầu tư là 30 công trình. Trong đó, 21 công trình do UBND huyện làm chủ đầu tư, tổng kinh phí hơn 16,1 tỷ đồng (16 công trình thuộc chương trình 134, 5 công trình thuộc chương trình 1592); 9 công trình do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường tỉnh làm chủ đầu tư, tổng kinh phí hơn 24,5 tỷ đồng.

Qua kiểm tra cho thấy, cơ bản UBND các xã đã quan tâm quản lý các công trình, nhiều công trình phát huy được hiệu quả, tạo điều kiện nâng cao đời sống sinh hoạt cho các hộ đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tạo thuận lợi về sản xuất giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, công tác quản lý, vận hành, khai thác công trình ở một số địa phương chưa tốt, tổ tự quản hoạt động không hiệu quả, người dân chưa tự giác, thậm chí không đóng tiền phí sử dụng nước và do ảnh hưởng của thiên tai, mưa lớn, sạt lở đất đã dẫn tới một số công trình hoạt động chưa hiệu quả, xuống cấp làm giảm tỷ lệ người dân sử dụng. Cụ thể, trong 21 công trình theo Chương trình 134, 1592 có 11 công trình hiệu quả hoạt động tốt, 7 công trình hiệu quả hoạt động thấp, 3 công trình ngừng hoạt động; trong 9 công trình do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường tỉnh đầu tư có 8 công trình đang hoạt động bình thường, 1 công trình đang xây dựng.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã đề nghị UBND cấp huyện, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ công trình cho người dân. Đồng thời, rà soát chi tiết các công trình để xem xét bố trí kinh phí đầu tư sửa chữa hỏng hóc, phát huy hiệu quả các công trình. Ngoài ra, Đoàn cũng chỉ ra các mặt hạn chế, rút kinh nghiệm để đầu tư các công trình mới đạt hiệu quả cao hơn.