Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại các địa phương

14:40, 06/09/2013

Sáng 6-9, đồng chí Nguyễn Đình Phách, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã đi kiểm tra công tác phòng lũ tại khu vực hồ Núi Cốc và công tác hộ đê, tiêu úng trên địa bàn huyện Phổ Yên. Cùng đi có lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi.

Kiểm tra công tác xả lũ tại đập chính hồ Núi Cốc - công trình đại thủy nông của tỉnh - đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, trong thời điểm lượng mưa trung bình đang ở mức cao như hiện tại thì việc hồ Núi Cốc xả lũ ở mức 600m3/giây như hiện tại là phù hợp. Bởi nếu xả ở mức thấp hơn thì vùng thượng lưu (huyện Đại Từ) sẽ bị úng ngập kéo dài mà an toàn hồ đập cũng bị đe dọa. Nhưng nếu xả ở mức cao hơn thì vùng hạ lưu (T.X Sông Công và huyện Phổ Yên) cũng không tránh khỏi tình trạng ngập lụt nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản và hoa màu của nhân dân. Được biết, tại thời điểm kiểm tra, mực nước hồ Núi Cốc đang ở cao trình 47,1m, tức là trên báo động cấp 2 khoảng 10cm. Như vậy, so với cùng thời điểm này ngày hôm trước (5-9), mực nước tại hồ Núi Cốc đã rút khoảng 40cm. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT thì đây là mức xả lũ cao nhất của Hồ từ khoảng 10 năm trở lại đây.

 

Sau khi kiểm tra thực tế tại các tuyến đê xung yếu là đê Sông Công, đê Chã và công tác tiêu úng tại Trạm bơm Cống Táo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã ghi nhận những cố gắng của ngành Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh và huyện Phổ Yên. Qua kiểm tra cho thấy, các công trình đê điều đều đảm bảo an toàn mặc dù thời tiết những ngày qua diễn biến phức tạp, mưa kéo dài, mực nước tại sông Công và sông Cầu dâng cao.  Việc Trạm bơm Cống Táo hoạt động liên tục với công suất lớn ở thời điểm này đã góp phần quan trọng tiêu úng cho hàng trăm héc ta lúa và hoa màu của huyện. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan cần tiếp tục tăng cường thông tin diễn biến tình hình thời tiết những ngày tới; có phương án bảo vệ công trình hồ đập, đê điều hiệu quả; kịp thời điều tiết nguồn nước tại các công trình hồ đập một cách hợp lý, đúng quy trình, góp phần giảm thiệt hại thấp nhất cho cả vùng thượng lưu và hạ du.

 

*Trước đó, tối 5-9, đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại hồ Núi Cốc và khu vực T.X Sông Công.

Tại các điểm kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão của tỉnh và chính quyền địa phương có phương án xả lũ hợp lý, bảo đảm an toàn hồ đập và kịp thời cảnh báo, di dời các hộ dân trong diện bị ảnh hưởng ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là với các hộ dân đang sinh sống phía hạ lưu hồ Núi Cốc. Đối với khu vực ngập úng cục bộ (sâu trên 1m) vùng giáp ranh giữa thị xã Sông Công và T.P Thái Nguyên, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền sở tại lập ngay ba-ri-e chốt chặn tại tuyến đường nối hai địa phương trên để tránh nguy hiểm cho các phương tiện qua lại… Đồng chí cũng yêu cầu đơn vị chủ quản thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết và chủ động các phương án kịp thời ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

   
* Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, đêm 5-9, tại xóm Cây Xoan, xã Đức Lương đã xảy ra sạt lở đường liên xã Đức Lương - Phúc Lương, đồng thời gây nguy cơ sạt lở 6 hộ dân trong xóm (ảnh).

 



Theo quan sát của chúng tôi, nhà ở của 6 hộ dân này ở chân đồi Búi Túc, tả luy sau nhà cao khoảng 7 đến 8m đều đã sạt lở, trên đồi xuất hiện nhiều vết nứt rộng 10 đến 15cm. Phía trước mặt 6 hộ là đường liên xã Đức Lương – Phúc Lương (thấp hơn nền các nhà hơn 1m) đã bị sạt lở khoảng 1.500m3 đất đá (trong đó, có một đoạn cũ khối lượng hơn 1.000m3 đất đá bị sạt lở vào ngày 19-7 nhưng chưa thể khắc phục). Địa thế đường còn cao hơn ruộng phía dưới khoảng 8m nên gây khu vực này có nguy cơ sạt lở rất cao.

Ông Triệu Văn Thiết, 1 trong 6 hộ dân cho biết: Vết nứt trên đường xuất hiện vào khoảng 15h chiều ngày 5-9, sau đó mở rộng rất nhanh và đến đêm, một nửa đoạn đường đã bị sạt. Ngoài ra, nền sân, nhà ở, khu đồi sau nhà đang nứt rộng và có nhiều mạch nước chảy ra.

Ngay sau khi vụ sạt lở xảy ra, chính quyền xã Đức Lương, Ban Chỉ huy PCLB và GNTT huyện đã đến kiểm tra và tổ chức di dời người dân đến nơi an toàn. Đồng thời, cắm biển cảnh báo, bố trí lực lượng trực 24/24, nghiêm cấm người không qua khu vực nguy hiểm.


* Trận mưa trong 2 ngày mùng 4 và 5-9 đã làm ngập úng cụ bộ và sạt lở dọc tuyến tỉnh lộ 268 (KM1+00) đoạn qua địa phận xóm Thượng, xã Yên Đổ (Phú Lương), ảnh hưởng trực tiếp các phương tiện lưu thông qua đây. Tại đây, khối lượng đất đá sạt lở khá lớn đã tràn ra cả nửa tuyến đường. Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Phú Lương đã trực tiếp chỉ đạo xã Yên Đổ phối hợp với Hạt Giao thông số 6 - đơn vị quản lý tuyến đường trên - tiến hành đưa máy xúc để san gạt những điểm sạt lở, nạo vét kênh mương 2 bên đường kịp thời khơi thông dòng chảy. Đến khoảng 1h sáng ngày 6-9, tuyến đường cơ bản đã được thông suốt.
 

Tuyến tỉnh lộ 268 (Km1+00) đoạn qua địa phận xóm Thượng, xã Yên Đổ (Phú Lương) cơ bản đã thông suốt.