Cần có biện pháp quản lý tài nguyên khoáng sản tận gốc

16:49, 30/10/2013

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 30-10, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đình Phách, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến vào nhiều báo cáo, đề án quan trọng.

 

Tải về bộ xem flash để có thể xem video này.

 

Tại hội nghị, các đại biểu dành nhiều thời gian bàn thảo và nhất trí với đánh giá sau kết quả 2 năm thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản (TNKS) giai đoạn 2011-2015”: Việc quản lý hoạt động về KS trên địa bàn bước đầu có chuyển biến tích cực so với trước. Các ngành chức năng đã tổ chức 290 cuộc kiểm tra, truy quét, giải tỏa hoạt động khai thác KS trái phép, xử lý vi phạm hành chính trên 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng hiệu quả đạt được trong công tác này chưa cao là do lực lượng chưa đáp ứng được yêu cầu cũng như sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các ngành liên quan và chế tài xử phạt cũng chưa đủ mạnh để răn đe. Hơn nữa, hoạt động quản lý Nhà nước về TNKS của một số đơn vị và địa phương kém hiệu quả, việc chấp hành của nhiều tổ chức, doanh nghiệp chưa nghiêm túc cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả Đề án như: Tăng cường kiểm soát tại các địa phương; yêu cầu ngành Thuế quản lý tại các điểm mỏ để tránh thất thu.

 

Kết luận nội dung này, đồng chí Nguyễn Đình Phách đề nghị thời gian tới các địa phương, nhất là những nơi có TNKS cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân về TNKS. Trong đó tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền trong việc quản lý TNKS, cũng như có biện pháp quản lý TNKS tận gốc và từ cấp cơ sở. Quan tâm hơn đến công tác thanh, kiểm tra việc khai thác KS; kiên quyết xử lý các đơn vị được cấp phép mà không khai thác hoặc khai thác không hiệu quả. Đồng chí cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng việc đấu giá quyền khai thác mỏ, vận dụng biện pháp ký quỹ khi xây dựng mỏ để hạn chế thất thu trong khai thác KS.

 

Đối với báo cáo về Đề án “Kiềm chế và đầy lùi tai nạn giao thông tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015”, các chỉ tiêu đặt ra đều thực hiện vượt mức. Qua 2 năm thực hiện Đề án và 9 tháng năm 2013, các lực lượng chức năng đã xử lý trên 176.000 trường hợp, thu giữ hơn 11.000 giấy phép lái xe vi phạm về trật tự ATGT; thu nộp Kho bạc Nhà nước trên 87 tỷ đồng. Bàn về nội dung này, các đại biểu cho rằng công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT những năm qua đã được tiến hành thường xuyên, có sự phối hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền giáo dục và cưỡng chế thi hành pháp luật. So với cả nước, Thái Nguyên đã vượt lên vị trí 8 tỉnh có tai nạn giao thông giảm trên 20%, được Chính phủ biểu dương năm 2011 và 2012.Để thực hiện hiệu quả Đề án này trong thời gian tới, các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy đã đưa ra nhiều kiến nghị với các ngành chức năng liên quan để giải quyết việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để họp chợ, kinh doanh; các điểm đen, vị trí có nguy cơ gây TNGT trên các tuyến đường đã được xác định song chậm khắc phục...

 

Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Sở Giao thông Vận tải cần tham mưu, có những giải pháp xử lý dứt điểm những tồn tại nhằm kiềm chế đẩy lùi tai nạn giao thông. Đồng chí yêu cầu việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan đơn vị thực hiện Đề án trong thời gian tới phải trên cơ sở thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

 

Trong khuôn khổ hội nghị, các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy đã nghe và thảo luận, thống nhất thông qua báo cáo kết quả thực hiện công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước và thực hiện Quyết định số 393-QĐ/TU của BTV Tỉnh ủy về "Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh; báo cáo quyết toán tài chính Đảng tỉnh năm 2012 và bàn công tác tổ chức cán bộ.