Khảo sát về thực hiện chính sách đối với học sinh khuyết tật

14:37, 03/10/2013

Để tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh các chính sách đối với học sinh (HS) khuyết tật, ngày 3-10, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Giáo dục Khuyết tật TW do đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) làm Trưởng đoàn đã làm việc với ngành Giáo dục tỉnh. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các vụ chức năng của Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Vụ Tài chính, Vụ Tiểu học Bộ GD&ĐT.

Hiện, tỉnh Thái Nguyên có 1 trường chuyên biệt dành cho HS khuyết tật (Trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi) thu hút 260 HS theo học. Ngoài ra, toàn tỉnh huy động được 2.662 HS khuyết tật từ mầm non đến THCS học hòa nhập. Đối với HS khuyết tật học tại trường chuyên biệt được ngân sách tỉnh hỗ trợ tiền ăn là 240 nghìn đồng/cháu. Cán bộ quản lý, giáo viên dạy ở trường này được hưởng 70% phụ cấp ưu đãi. Trẻ được học theo chương trình khung của Bộ GD&ĐT quy định dành cho HS khuyết tật. Đối với HS khuyết tật học hòa nhập, hiện nay chưa có chính sách hỗ trợ riêng cho cả người học và giáo viên. Trẻ khuyết tật học hòa nhập tại các trường hầu như không có phòng học dành cho trẻ. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở GD&ĐT, cũng như các nhà trường đề nghị Bộ GD&ĐT và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng chính sách để đảm bảo cho tất cả HS khuyết tật đều được hưởng chính sách của Nhà nước hỗ trợ từ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, đến học văn hóa, học nghề. Nhà nước bố trí ngân sách hằng năm để hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập cho trẻ khuyết tật phù hợp với nhu cầu của trẻ. Đối với người dạy, cần có phụ cấp hàng tháng cho đội ngũ giáo viên dạy hòa nhập. Đồng thời tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho đội ngũ giáo viên, cán bộ làm công tác tư vấn về chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật…

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã đánh giá cao công tác tham mưu của Sở GD&ĐT cho tỉnh trong việc hỗ trợ ngân sách cho các em HS khuyết tật học trường chuyên biệt, cũng như việc huy động được hầu hết trẻ em trong độ tuổi bị khuyết tật ở dạng nhẹ học hòa nhập. Về những kiến nghị của ngành Giáo dục và các trường, đồng chí Thứ trưởng giao cho các vụ chức năng tiếp thu để tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ xây dựng hoàn chỉnh các chính sách đối với HS khuyết tật để trình Chính phủ quyết định.

Đoàn cũng đến khảo sát thực tế công tác chăm sóc giáo dục HS khuyết tật tại Trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi và công tác dạy hòa nhập HS khuyết tật ở Trường Mầm non 19-5 T.P Thái Nguyên.

 

*Đánh giá mức độ của trẻ có dấu hiệu rối nhiễu tâm lý
 

Ngày 2-10, Trung tâm Công tác xã hội trẻ em (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh) phối hợp với Trường Mầm non 19-5 (T.P Thái Nguyên) tổ chức đánh giá mức độ của trẻ có biểu hiện rối nhiễu tâm lý đang theo học tại trường.


Tham gia chương trình đánh giá có trên 20 trẻ có dấu hiệu mắc bệnh tự kỷ hoặc rối nhiễu tâm lý. Số trẻ này được phát hiện qua chương trình điều tra sàng lọc hơn 200 trẻ lứa tuổi mầm non mới theo học tại Trường Mầm non 19-5 đầu năm học 2013-2014. Theo các chuyên gia của Trung tâm Công tác xã hội trẻ em, đợt đánh giá này nhằm kiểm tra sâu hơn về mức độ ảnh hưởng tới phát triển của trẻ tự kỷ, trẻ có dấu hiện rối nhiễu tâm lý để từ đó có những khuyến cáo, hướng dẫn cụ thể giúp các phụ huynh điều trị kịp thời cho trẻ. Qua đánh giá của Trung tâm cho thấy, đa số các cháu mắc bệnh tự kỷ hoặc rối nhiễu tâm lý đang theo học tại nhà trường có biểu hiện chậm nói hoặc chậm phát triển toàn diện và cần phải có những liệu pháp điều trị kịp thời.