Sẻ chia khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân

07:19, 11/10/2013

Tỉnh ta hiện có trên 3.400 doanh nghiệp (DN) hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Những năm qua, đóng góp của cộng đồng các DN, doanh nhân là rất lớn, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, đảm bảo ngân sách và an sinh xã hội cho địa phương. Thời gian gần đây, do kinh tế thế giới khủng hoảng, kinh tế trong nước suy giảm, hoạt động của các DN, doanh nhân nói chung, trong đó có đội ngũ DN, doanh nhân Thái Nguyên nói riêng, cũng gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh là DN vừa và nhỏ, trình độ khoa học, công nghệ, máy móc thiết bị… chưa tương xứng, khó đáp ứng được nhu cầu đề ra, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh không tránh khỏi khó khăn, tồn tại.

Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương đã quan tâm chỉ đạo thực hiện nhiều cơ chế, chính sách giúp đỡ DN. Năm 2013, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của đất nước đã được điều chỉnh theo hướng có lợi nhất cho DN. Từ lãi suất ngân hàng, tỷ lệ trượt giá, tỷ lệ lạm phát đến khả năng tiếp cận vốn, giải quyết hàng tồn kho (sắt thép, xi măng, hàng may mặc…) cho DN đều được điều chỉnh, cải thiện, bước đầu mang lại hiệu quả. Về phía tỉnh Thái Nguyên, thực hiện các cơ chế, chính sách đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành thường xuyên đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng DN, doanh nhân. Các cơ chế, chính sách của Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN đã được UBND tỉnh triển khai kịp thời đến các cơ quan, đơn vị cũng như các đối tượng thụ hưởng. Cụ thể, ngành Thuế tỉnh đã thực hiện chính sách tạm giãn, tạm hoãn, miễn thuế theo chủ trương của Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh, các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện chính sách xem xét xử lý nợ xấu cũng như điều chỉnh trần lãi suất hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN.

 


Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, tỉnh ta đã đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm tạo sức hấp dẫn đầu tư. Kết quả, năm 2012, chỉ số PCI của Thái Nguyên đã vượt 40 bậc so với năm trước, đứng ở vị trí thứ 17/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Khi môi trường đầu tư được cải thiện thì tình hình thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài, đã thực sự có kết quả vượt bậc, trở thành sức bật cho cả nền kinh tế. Năm 2013, tỉnh ta dự kiến thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt từ 3,5 đến 4 tỷ USD (trước đó, kết thúc năm 2012, chúng ta mới thu hút được 133 triệu USD).

 


Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi đánh giá rất cao các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên đứng vững trên thị trường. Sự đóng góp của các nguồn vốn đầu tư, trong đó có vốn FDI vào tỉnh đã tạo thuận lợi cho các DN trong tỉnh có điều kiện phát triển tốt hơn. Từ việc đầu tư đó đã góp phần kích thích các DN xây lắp, xây dựng, cơ khí, luyện kim trong tỉnh phát triển sản xuất, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm mũi nhọn của địa phương như xi măng, sắt thép, gạch ngói, cát, đá, sỏi… Ngoài ra, còn giúp tạo công ăn việc làm ổn định với mức thu nhập đảm bảo cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Đây cũng chính là sự đồng hành của chính quyền cùng các DN, doanh nhân trên địa bàn tháo gỡ khó khăn trong suốt thời gian qua. Để các DN hoạt động ngày càng thuận lợi, tỉnh tiếp tục phát huy hơn nữa hiệu quả của công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Hiện nay, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đang được triển khai hoàn thiện, phấn đấu đến hết năm 2013 sẽ cùng với Thủ đô Hà Nội thông tuyến. Với việc nâng cấp tuyến Quốc lộ 3 cũ, Chính phủ có chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan đồng tình ủng hộ, phấn đấu hoàn thành trong năm 2014. Cùng với đó là hạ tầng điện, nước, viễn thông, dịch vụ cũng được tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhằm tạo điều kiện cho các DN phát triển.

 


Những đóng góp của các DN, doanh nhân đối với tỉnh thời gian qua, nhất là trong năm 2013 này, đã thực sự giúp các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh có bước tăng trưởng khá. Chỉ tiêu thu ngân sách năm nay sẽ phấn đấu đạt kế hoạch HĐND tỉnh giao; chỉ tiêu tạo việc làm mới cho người lao động chắc chắn vượt kế hoạch vì kết thúc 9 tháng của năm nay, chúng ta đã tạo việc làm mới cho 15 nghìn lao động/16 nghìn lao động theo kế hoạch. Khi Nhà máy điện tử Samsung đi vào hoạt động và cho ra sản phẩm vào quý I năm 2014 thì chắc chắn số lao động được giải quyết việc làm mới sẽ tăng thêm mấy nghìn người trong những tháng tiếp theo.


Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), tỉnh sẽ tổ chức gặp mặt các DN, doanh nhân trên địa bàn nhằm ghi nhận và biểu dương những đóng góp quan trọng của họ thời gian qua, đồng thời động viên, khích lệ tinh thần nỗ lực vượt khó của các DN, doanh nhân tỉnh nhà. Chính sự nỗ lực vượt khó và tăng trưởng mạnh mẽ của các DN, doanh nhân sẽ góp phần tích cực giúp tỉnh thực hiện thành công mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin chúc mừng các DN, doanh nhân nhân ngày truyền thống, đồng thời mong muốn cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, các cấp, ngành hãy cùng chung tay chia sẻ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các DN, doanh nhân ngày càng phát triển nhanh, mạnh, bền vững.