Siết chặt quản lý vận chuyển khoáng sản

11:04, 28/10/2013

Trước đây, hoạt động vận chuyển khoáng sản trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng lộn xộn, không thể kiểm soát được số lượng, nguồn gốc khoáng sản cũng như tải trọng phương tiện vận tải. Tình trạng tiêu cực làm thất thoát tài nguyên khoáng sản cũng nảy sinh từ đó. Tuy nhiên, từ cuối năm 2012 đến nay, việc vận chuyển khoáng sản, nhất là quặng sắt trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát một cách chặt chẽ thông qua các phương án quản lý khá bài bản do Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) chủ trì thực hiện.

Để chứng minh về vấn đề này, chúng tôi xin dẫn chứng về công tác vận chuyển khoáng sản của một số đơn vị.

 

Tháng 7-2013, Công ty CP Quốc tế Hưng Thái, đơn vị chuyên kinh doanh hoạt động vận tải, đã ký được hợp đồng vận chuyển trên 327 nghìn tấn quặng sắt cho Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Hiếu Trường từ Mỏ sắt Trại Cau, thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ) đến cảng Đa Phúc, xã Thuận Thành (Phổ Yên). Để vận chuyển được số hàng nói trên, theo yêu cầu của Sở TNMT, Công ty CP Quốc tế Hưng Thái phải xây dựng phương án vận chuyển chi tiết trình Sở phê duyệt. Sau khi xem xét, thẩm định, Giám đốc Sở TNMT đã ký Quyết định phê duyệt phương án vận chuyển và yêu cầu Công ty phải tuân thủ nghiêm những yêu cầu đã đề ra. Theo đó, trong phương án phê duyệt yêu cầu đơn vị vận chuyển minh bạch hóa từ chủng loại quặng sắt, số lượng, nguồn gốc đến thời gian, phương tiện vận chuyển, số xe tham gia, lộ trình vận chuyển, địa điểm xuất và nhận hàng, những giấy tờ hàng hóa đi kèm theo xe vận chuyển, biển hiệu của xe. Ngoài những quy định trên, phương án cũng yêu cầu đơn vị vận tải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, đảm bảo trọng tải xe, hàng và không gây ô nhiễm môi trường. Trong thời gian được phép vận chuyển ( theo giấy phép là từ ngày 10-7-2013 đến hết ngày 31-5-2014), Công ty CP Quốc tế Hưng Thái đã cơ bản chấp hành đúng các quy định đề ra. Điều đáng nói là, Công ty luôn tuân thủ việc trình kiểm với các cơ quan chức năng về lệnh điều động xe, hợp đồng kinh tế, phiếu cân (có ghi rõ ngày, giờ cân), hóa đơn giá trị gia tăng (trong đó ghi rõ loại quặng, kích cỡ quặng, ngày tháng, thời gian, địa điểm xuất hàng, nơi giao hàng, số xe vận chuyển… và có chữ ký xác nhận của bảo vệ Mỏ sắt Trại Cau, chính quyền sở tại, Trạm kiểm soát khoáng sản vào phía sau hóa đơn). Tất cả các giấy tờ trên đều có ngày trùng với ngày vận chuyển quặng. Công ty cũng tuân thủ việc gắn biển hiệu của Công ty trên kính trước của xe ô tô khi vận chuyển.

 

Còn đối với Công ty CP sản xuất gang Hoa Trung, mặc dù thời gian vận chuyển quặng không kéo dài (từ tháng 7 đến hết tháng 11-2013), số lượng vận chuyển cũng ít (10 nghìn tấn), quãng đường vận chuyển ngắn, chỉ trong nội tỉnh (từ thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ lên xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai), nhưng Công ty vẫn phải xây dựng phương án vận chuyển. Theo ông Bùi Văn Khánh, Giám đốc Công ty thì việc vận chuyển này là để đảm bảo nguyên liệu cho hoạt động sản xuất và giải phóng kho bãi, xưởng tuyển của Công ty. Dù đơn giản, nhưng về mặt nguyên tắc Công ty vẫn luôn có ý thức tuân thủ nghiêm ngặt các quy định đề ra.

 

Được biết, từ khi triển khai đến nay, Sở TNMT đã ra Quyết định phê duyệt phương án vận chuyển khoáng sản cho 15 đơn vị. Theo lãnh đạo Sở TNMT thì việc yêu cầu các đơn vị vận chuyển khoáng sản phải có phương án vận chuyển được phê duyệt là rất cần thiết (đối với cả vận chuyển ngoại tỉnh và nội tỉnh). Trước tiên là để tránh trường hợp vận chuyển quặng lậu, quặng không rõ nguồn gốc đi tiêu thụ, điều này vừa giúp giải quyết vấn đề lộn xộn trong hoạt động vận tải, vừa khắc phục tình trạng thất thoát tài nguyên và thất thu ngân sách của Nhà nước, mặt khác cũng góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, một xe sử dụng hai hóa đơn (một hóa đơn tải trọng đường và một hóa đơn hàng hóa) để nhằm qua mặt lực lượng chức năng. Về mặt vĩ mô, sẽ giúp các cơ quan quản lý Nhà nước quản lý chặt chẽ được nguồn tài nguyên khoáng sản, từ đó có kế hoạch và chiến lược phát triển trong thời gian tiếp theo.

 

Thực ra, ý tưởng về việc xây dựng phương án vận chuyển khoáng sản đã manh nha từ lâu. Năm 2010, ngành TNMT tỉnh cũng đã bước đầu có phương án triển khai, song chưa thực hiện triệt để. Phải đến tháng 11-2012, sau khi UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo (trên cơ sở tham mưu của Sở TNMT), việc lập và phê duyệt phương án vận chuyển khoáng sản mới chính thức đi vào nền nếp. Do hoạt động khai thác, vận chuyển quặng sắt trên địa bàn tỉnh chiếm chủ đạo nên trước mắt tỉnh mới áp dụng quy định lập phương án vận chuyển đối với riêng loại khoáng sản này. Tới đây, trên cơ sở thực tế, tỉnh ta sẽ áp dụng rộng hơn, cụ thể là với vận chuyển quặng titan, chì, kẽm, thiếc và một số loại khoáng sản khác. Đại diện Phòng Khoáng sản (Sở TNMT) cho biết: Hiện nay, điều kiện để các đơn vị vận tải được phê duyệt phương án vận chuyển quặng mới chỉ dừng ở việc có đầy đủ hồ sơ, hợp đồng thuê đất, nguồn gốc quặng rõ ràng, xe chở đúng trọng tải. Trong tương lai gần, quy định về vấn đề này có thể sẽ siết chặt hơn, bổ sung thêm các điều kiện như: Phải có hóa đơn nộp các loại thuế, đã ký quỹ bảo vệ môi trường và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác… thì đơn vị vận tải mới được duyệt phương án vận chuyển.

 

Việc bắt buộc phải có phương án khi vận chuyển quặng sắt trên địa bàn là một chủ trương đúng. Thời gian qua, ngành TNMT cũng đã tập trung triển khai việc này và bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Tuy vậy, công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện phương án vận chuyển của các cơ quan, đơn vị chức năng mới thực sự quan trọng, một mình ngành TNMT không thể đảm đương nổi. Bởi vậy, quá trình này rất cần sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc thực sự của các ngành: Công an, Giao thông - Vận tải, Quản lý thị trường, Đội chống thất thu ngân sách; các cơ quan liên quan và chính quyền các huyện, thành, thị trong tỉnh.

 

Theo yêu cầu của UBND tỉnh tại Văn bản số 1724/UBND - KTN ngày 29-8-2012 về quản lý hoạt động vận chuyển khoáng sản trên địa bàn thì các sở, ngành, đơn vị nói trên và các địa phương phải có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong việc vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản; phối hợp với Sở TNMT quản lý các phương án vận chuyển sau phê duyệt, thực hiện đúng chế độ thông tin, báo cáo…