Nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp

16:40, 22/11/2013

Ngày 22-11, Đại học Thái Nguyên và Ban chỉ đạo Tây Bắc đã tổ chức Hội nghị khoa học: Nghiên cứu triển khai công nghiệp hóa trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tại các tỉnh trung du, miền núi Bắc bộ. Đến dự có các đồng chí lãnh đạo 16 tỉnh từ Nghệ An đến Lào Cai; các chuyên gia đầu ngành thuộc các bộ: Nông nghiệp và PTNT, Khoa học và Công nghệ, Tài Nguyên và Môi trường, Ban Kinh tế Trung ương. Đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên dự Hội nghị.

Công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông lâm nghiệp là rất cấp thiết. Xuất phát từ thực tế đó, Đại học Thái Nguyên đã được Ban chỉ đạo Tây Bắc thống nhất xây dựng Đề án: “Xây dựng chương trình nghiên cứu - triển khai cơ điện nông nghiệp phục vụ quá trình công nghiệp hóa trong sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản tại các tỉnh trung du và miền núi Bắc bộ”.

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thực trạng cơ giới hóa (CGH) sản xuất nông nghiệp các tỉnh trung khu vực đến nay mới đạt gần 60%, trên tổng diện tích 7,26 triệu ha đất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản; khâu thu hoạch đạt bình quân 0,17 máy gặt đập liên hợp/100ha đất trồng lúa, cơ giới hóa các khâu bảo quản, chế biến hầu như chưa được quan tâm nhiều. Với vai trò là Đại học của vùng, lại có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng khoa học vào sản xuất cho các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, Đại học Thái Nguyên sẽ thực hiện nghiên cứu và triển khai ứng dụng vào 6 lĩnh vực của trồng trọt, 5 lĩnh vực của chăn nuôi, 2 lĩnh vực của lâm nghiệp và 6 lĩnh vực thu hoạch bảo quản và chế biến.

 

Cùng với đó là xây dựng và đề xuất các chính sách quản lý, khuyến khích phát triển và đào tạo nguồn nhân lực. Theo kế hoạch của đề án, một số hạng mục sẽ kéo dài đến năm 2020 và tầm nhìn  đến năm 2030. Hàng năm Ban chỉ đạo Tây Bắc và Đại học Thái Nguyên cùng các cơ quan chuyên môn của các bộ sẽ tiến hành kiểm tra và đánh giá tiến độ cũng như mức độ ảnh hưởng của quá trình thực hiện đề án.