Tại 4 tổ thảo luận, các đại biểu đã tập trung ý kiến trao đổi, làm rõ nhiều vấn đề, nội dung xung quanh các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp HĐND lần này. Không ít ý kiến đã chỉ rõ những điểm còn tồn tại, hạn chế, những nội dung còn thiếu cần kê chỉnh, bổ sung. Báo Thái Nguyên lược ghi một số ý kiến thảo luận tại các tổ.
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, nhiệm vụ, kế hoạch năm 2014
Đây là văn bản có nhiều ý kiến tham gia nhất ở tất cả các tổ thảo luận. Nhiều đại biểu đã băn khoăn tại sao tốc độ tăng trưởng kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp, GDP bình quân đầu người năm 2013 của tỉnh không hoàn thành kế hoạch, nhưng năm 2014 lại đề ra mục tiêu tăng rất cao? Làm rõ về nội dung này, ông Đặng Xuân Trường, Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư cho biết: Năm 2014, chúng ta dự kiến năng lực mới tăng thêm là: Dự án Núi Pháo và Dự án Samsung đi vào hoạt động. Chỉ hai dự án này cũng đã tác động lớn đến giá trị sản xuất công nghiệp, tốc độ tăng trưởng và thu nhập bình quân đầu người của tỉnh. Dự án Núi Pháo dự kiến sẽ đạt giá trị tăng thêm 1.236 tỷ đồng; Dự án Samsung dự kiến đạt 1.120 tỷ đồng. Như vậy, tổng hai dự án là 2.356 tỷ đồng, tương đương mức đóng góp khoảng 8-9% GDP, cộng với tăng trưởng nội tại khoảng 6-7%, chúng ta có thể đạt mức tăng trưởng cả năm là 15%.
Theo các đại biểu: Trương Thị Huệ và Lưu Văn Toán (đoàn Đại Từ) thì năm 2013, nhiều chỉ tiêu của tỉnh đạt thấp hơn kế hoạch đề ra, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt 30.880 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch đề ra (chỉ tiêu kế hoạch là 34.529 tỷ đồng). Năm 2014, tỉnh đề ra giá trị sản xuất công nghiệp đạt 47.864 tỷ đồng, cao hơn năm trước gần 17.000 tỷ đồng. Theo các đại biểu này thì để đạt được chỉ tiêu trên, HĐND tỉnh phải bàn thảo để đưa ra các giải pháp cụ thể để giải quyết vướng mắc của các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh. Đại biểu Nguyễn Văn Tiệu (đoàn Võ Nhai) cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 dù không đạt kế hoạch, nhưng vẫn cao hơn bình quân chung của cả nước. Một số chỉ tiêu không đạt bởi tác động mạnh của yếu tố khách quan, như chỉ tiêu xuất khẩu lao động. Đại biểu này cũng đề nghị tỉnh tăng cường quản lý các doanh nghiệp đang tham gia hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn.
Còn đại biểu Triệu Minh Thái (đoàn Đại Từ) lại trăn trở: Trong 2 năm, 2012 và 2013, sản lượng lương thực có hạt của tỉnh đều đạt trên 443 nghìn tấn, tuy nhiên, kế hoạch đề ra năm 2014 lại là 420 nghìn tấn, thấp hơn 23 nghìn tấn. Trong khi đó, năm 2014, có nhiều dự án lớn đi vào hoạt động, lực lượng lao động tăng thêm hàng chục nghìn người, đồng thời, số lượng học sinh, sinh viên theo học tại các trường đại học của tỉnh cũng đang có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, lo rằng nếu giá trị sản lượng lương thực có hạt đạt thấp, dân cư tăng cao sẽ ảnh hưởng đến vấn đề đảm bảo an ninh lương thực và bình ổn giá lương thực trong tỉnh.
“Về chỉ tiêu giá trị sản phẩm/ha đất trồng trọt không đạt kế hoạch đề ra, tỉnh cần nghiên cứu lựa chọn các loại cây trồng cho phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của tỉnh. Hiện 3 cây trồng chính của Thái Nguyên mang lại hiệu quả cao là cây lương thực, cây chè và rau màu các loại. Muốn nâng cao giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích, tỉnh cần quy hoạch xây dựng các vùng chuyên canh. Quy hoạch vùng chuyên canh nên gắn với các xã mà tỉnh chọn chỉ đạo điểm về xây dựng nông thôn mới”. Đại biểu Dương Văn Lành (đoàn Đồng Hỷ) ý kiến.
Cục trưởng Cục Thống kê - ông Hoàng Gia Hinh cho hay: Theo những nghiên cứu, số liệu thống kê có được thì điều kiện sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta thấp hơn một số tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Bắc bộ. Hiện nay, có một thực tế là lực lượng lao động đang không thiết tha với ruộng đồng, ở nông thôn phần lớn là người già và trẻ em. Do đó, ngoài các giải pháp hỗ trợ vốn, tập huấn kỹ thuật, tỉnh đang thực hiện tốt hiện nay, tôi đề nghị có chuyên đề nghiên cứu về nông dân, nông thôn trong tỉnh để cải thiện các yếu tố khó khăn đặc thù, mở hướng và tăng động lực làm giàu, ý chí phấn đấu cho người nông dân.
Về vấn đề giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri
Đại biểu Nguyễn Thế Đề (đoàn Phú Lương) và một số đại biểu khác đề nghị: Các cơ quan liên quan cần tiếp thu đầy đủ, giải quyết và sớm trả lời cử tri theo luật định, đáp ứng lòng mong mỏi và niềm tin của nhân dân. Đại biểu Dương Xuân Hùng (đoàn T.P Thái Nguyên) cho rằng, việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri vẫn còn vòng vo, dài dòng, có vấn đề còn tránh né, chưa đi thẳng vào vấn đề cử tri quan tâm. Đại biểu Nguyễn Văn Tiệu (đoàn Võ Nhai) đề nghị các đại biểu dân cử cần tăng cường hoạt động giám sát quá trình giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri…
Về quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực và luân chuyển cán bộ, công chức
Cùng với ý kiến của một số đại biểu HĐND tỉnh, ông Nguyễn Hùng Tráng, Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng, nên hạn chế tuổi của đối tượng được thu hút vì liên quan đến thời gian cống hiến ít nhất là 10 năm; đề nghị cần đổi mới hình thức tổ chức thi tuyển biên chế, tỉnh nên giao cho các sở, ngành đứng ra tổ chức thi tuyển trên quy mô toàn tỉnh.
Còn đại biểu Bùi Đức Cường (đoàn Đồng Hỷ) và một số đại biểu khác cùng quan điểm, cho rằng: Trong phần đối tượng thu hút có ghi “người tốt nghiệp thủ khoa các trường đại học” thì theo quy định hiện nay về văn bằng không ghi đỗ thủ khoa, vì vậy đề nghị sửa lại là “người đỗ thủ khoa, tốt nghiệp đạt loại giỏi”. Trong quy định điều kiện tiếp nhận đối với người tốt nghiệp thủ khoa các trường đại học, người tốt nghiệp đại học xếp hạng giỏi, xuất sắc có quy định “phải sử dụng thành thạo tin học văn phòng”, đề nghị quy định rõ chứng chỉ tin học loại gì. Về chính sách ưu đãi các đối tượng thu hút, có ghi “được tiếp nhận không qua thi tuyển hoặc ưu tiên tuyển dụng theo điều kiện, tiêu chuẩn tại quy định này vào cán bộ, công chức, viên chức”, vậy tiêu chuẩn thì như thế nào?
Nếu theo chính sách thu hút này, ở một trường chỉ tiêu biên chế có hạn, trong khi đó số lượng sinh viên nằm trong đối tượng thu hút vượt nhiều so với chỉ tiêu thì vấn đề xét cụ thể sẽ là khó khăn. Vì vậy, đề nghị căn cứ theo đặc điểm của từng ngành, hằng năm sẽ đề xuất với UBND tỉnh đối tượng thu hút cho phù hợp, như vậy công tác tuyển dụng sẽ đạt hiệu quả và thu hút được người có năng lực về chuyên môn nghiệp vụ vào công tác.
Về kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm 2013 và đăng ký kế hoạch sử dụng đất năm 2014
Đại biểu Hoàng Văn Hùng (đoàn Phú Bình) ý kiến: Báo cáo trên đã cho thấy hầu hết các loại đất thực hiện theo kế hoạch đề ra là rất thấp. Cụ thể, đất phi nông nghiệp kế hoạch sử dụng trên 2 nghìn ha, nhưng thực hiện chỉ đạt trên 428 ha, bằng 23,38% kế hoạch; đất nông nghiệp kế hoạch sử dụng là 339,99 ha, thực hiện được 25,90 ha, đạt 7,62% kế hoạch… Kết quả trên cho thấy rõ ràng việc xây dựng kế hoạch không sát với tình hình thực tiễn, nên đánh giá xem xét lại việc xây dựng kế hoạch năm 2014 để đạt hiệu quả hơn.
Về một số nội dung khác: Một số đại biểu đã băn khoăn, đối với tình hình mất trật tự - an toàn xã hội, nhất là những vụ việc kiểu xã hội đen đề nghị cần xét xử nghiêm minh đồng thời có những biện pháp ngăn chặn quyết liệt. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số khu, cụm công nghiêp vẫn còn khá phổ biến; tình hình tai nạn giao thông đã giảm song chưa bền vững; vấn đề “chạy” để được hưởng chế độ thương binh, nhiễm chất độc hóa học; vấn đề chiếu phim lưu động cho đồng bao vùng cao hiện không phát huy hiệu quả… cũng được nhiều đại biểu quan tâm phán ánh và đề nghị giải quyết.
Địa phương còn bị động trong xây dựng các khu tái định cư
Trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên bên lề buổi thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Văn Khoa (Đoàn Phổ Yên) cho biết: Hiện nay, có một thực trạng chung là tiến độ xây dựng các khu tái định cư của các dự án còn chậm và xuất hiện nhiều bất cập, chồng chéo gây bức xúc cho người dân. Đồng thời, các cơ quan chức năng, đặc biệt là UBND cấp huyện, xã còn bị động, lúng túng trong việc quy hoạch, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho việc xây dựng các khu tái định cư. Nguyên nhân của vấn đề này là do việc quy hoạch các khu công nghiệp chưa đi kèm với quy hoạch tái định cư nên dẫn đến việc các nhà đầu tư khi tiến hành giải phóng mặt bằng mới tìm địa điểm và tính toán các phương án ổn định đời sống cho người dân bị thu hồi đất.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế chưa phục hồi nên các chủ đầu tư cũng gặp khó khăn về nguồn vốn. Để giải quyết thực trạng này, chính quyền các cấp đã tổ chức nhiều buổi làm việc với chủ đầu tư, nhà thầu, đồng thời cả hệ thống chính trị đã vào cuộc giải quyết, nỗ lực tìm phương án cũng như mặt bằng thuận lợi và tích cực tuyên truyền, vận động người dân. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để, vẫn cần thêm những giải pháp quy hoạch mang tính dài hơi, cụ thể là nên có quy hoạch các khu tái định cư đi kèm với quy hoạch khu công nghiệp. Đồng thời, các phương án về vốn, thủ tục đầu tư… cũng cần được xây dựng trước để nhà đầu tư và chính quyền địa phương chủ động, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thỏa mãn nhu cầu của người dân khi chuyển sang nơi ở mới.
Thu ngân sách 2014 tăng tối thiểu 20% trở lên
Tại buổi thảo luận tổ, đại biểu Vũ Mạnh Phú (Đoàn T.P Thái Nguyên) cho hay: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra mục tiêu thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân năm sau cao hơn năm trước 20%.
Thời gian qua, tình hình kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn nên có những ảnh hưởng nhất định đến tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh, từ đó tác động xấu đến nguồn thu ngân sách Nhà nước ở địa phương. Do đó, việc đạt chỉ tiêu thu ngân sách theo Nghị quyết hàng năm của tỉnh vẫn còn những hạn chế. Tuy vậy, để thực hiện Nghị quyết của tỉnh đề ra, năm 2014 chúng ta đã xây dựng dự toán thu ngân sách Nhà nước của tỉnh tăng tối thiểu 20% trở lên so với thực hiện năm 2013 (không tính nguồn thu cấp quyền sử dụng đất). Việc xây dựng dự toán năm 2014 tăng như trên là hoàn toàn có cơ sở thực tiễn bởi đây là năm có sự ổn định về ngân sách địa phương.
Hơn nữa, dù khó khăn nhưng thu hút đầu tư vào tỉnh vẫn tăng vượt bậc, đặc biệt năm 2014, một số dự án quy mô lớn như: Samsung, Núi Pháo, Nhiệt điện An Khánh… cũng sẽ đi vào hoạt động ổn định. Đây là nguồn tăng thu quan trọng cho ngân sách Nhà nước. Năm 2014, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt tới 15%, giá trị sản xuất công nghiệp cũng tăng tới 55%, nên chắc chắn nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên đáng kể…