Vấn đề đặt tên tuyến đường, tuyến phố hay công trình công cộng mang danh Đại tướng Võ Nguyên Giáp - đang được nhiều cử tri và dư luận nhân dân trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Thái Hanh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch..
P.V: Được biết, tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XII (tổ chức từ ngày 9 đến 12-12 này), UBND tỉnh có tờ trình, dự thảo nghị quyết về đặt tên một số tuyến đường, phố trên địa bàn T.P Thái Nguyên năm 2013. Tuy nhiên, chưa thấy có phương án đặt tên tuyến đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Đ/c Phạm Thái Hanh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng có công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, có uy tín lớn trong và ngoài nước. Việc lựa chọn một công trình để mang tên vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp là tâm nguyện của nhiều người dân. Tuy nhiên, việc đặt tên một công trình, nhất là công trình mang tên bậc vĩ nhân của đất nước thì phải làm đúng quy trình, chu đáo, kỹ càng, chắc chắn và thận trọng. Bởi vậy, tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này, UBND tỉnh chưa trình phương án đặt tên công trình mang danh Đại tướng.
|
Đồng chí Phạm Thái Hanh: “Việc đặt tên một công trình, nhất là công trình mang tên một bậc vĩ nhân của đất nước thì phải làm đúng quy trình, chu đáo, kỹ càng, chắc chắn và thận trọng” |
Về việc đặt tên 2 tuyến đường và 21 tuyến phố do UBND tỉnh trình tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND T.P Thái Nguyên và Hội đồng Tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng của tỉnh đã phải tiến hành xem xét, nghiên cứu, xây dựng Ngân hàng dữ liệu tên đường, phố, công trình. Đồng thời, tiến hành công bố rộng rãi các dữ liệu đó trên phương tiện thông tin đại chúng để xin ý kiến đóng góp của nhân dân trước khi trình HĐND tỉnh thông qua. Hiện tại, Sở đang phối hợp với các ngành liên quan tiến hành rà soát tất cả những tuyến đường, công trình công cộng đang được xây dựng hoặc dự kiến khởi công trong thời gian tới để có cơ sở lựa chọn một tuyến đường hoặc một công trình công cộng thực sự có ý nghĩa, quy mô lớn, xứng tầm với công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lập hồ sơ nghiên cứu và xin ý kiến phê duyệt. Với cách làm thận trọng như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ có được công trình tương xứng thể hiện sự tôn vinh đối với một bậc vĩ nhân của đất nước.
P.V: Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này có thể sẽ có nhiều ý kiến trao đổi, đề xuất của các đại biểu xung quanh vấn đề đặt tên tuyến đường hoặc công trình mang danh Võ Nguyên Giáp. Tham gia tại kỳ họp, thay mặt ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh, đồng chí có tham góp ý kiến nào về nội dung này không? Và cụ thể ý kiến đó như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Phạm Thái Hanh: Vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức cuộc họp với các sở, ban, ngành, Hội đồng Tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng trên địa bàn tỉnh để xin ý kiến và đề xuất các phương án đặt tên tuyến đường hoặc công trình mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ý kiến của các đại biểu tập trung vào việc lựa chọn phương án đổi tên Quảng trường 20-8 tại T.P Thái Nguyên thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp. Qua nhiều ý kiến khảo sát trên báo chí, truyền hình thì đa số người dân đều thống nhất với phương án đổi tên Quảng trường 20-8 thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp. Tuy nhiên, hiện tại quy mô của Quảng trường còn khiêm tốn, cần phải được quy hoạch, thiết kế, mở rộng và xây dựng để xứng tầm với tên gọi của Đại tướng. Bản thân tôi cũng nghiêng nhiều về phương án này và cũng dự định sẽ có ý kiến tại kỳ họp HĐND tỉnh.
Tôi cho rằng, các phương án đưa ra đều có những thuận lợi, khó khăn nhất định, bởi thế thời gian tới, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan xin ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân để có phương án lựa chọn tối ưu nhất đặt tên công trình mang danh Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Thái Nguyên.
P.V: Có một số ý kiến cho rằng các nhân vật, địa danh đặt tên cho 2 tuyến đường và 21 tuyến phố trình tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này chưa thật sự gần gũi, thân quen và có ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân Thái Nguyên. Xin đồng chí trao đổi rõ thêm về nội dung này?
Đ/c Phạm Thái Hanh: Trên cơ sở dữ liệu từ Ngân hàng tên đường, phố, công trình công cộng do Hội đồng Tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng trên địa bàn tỉnh xây dựng, các sở, ngành, thành viên Hội đồng Tư vấn đã lựa chọn tên của 23 danh nhân, nhân vật lịch sử, văn hóa và địa danh để đặt tên đường, phố. Việc đề xuất các nhân vật, địa danh đặt cho tên đường, phố lần này là tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng. Trong 23 tuyến đường, phố dự kiến đặt tên bao gồm đầy đủ cả tên địa danh, danh nhân, phong trào cách mạng… của cả nước và tỉnh Thái Nguyên. Trong đó có một số tên tuổi, nhân vật, địa danh gắn với mảnh đất Thái Nguyên, như: Nhị Quý, Đội Giá, Trịnh Bá, Trần Đăng Ninh, Đồng Mỗ… Hiện tại, trên địa bàn T.P Thái Nguyên và của cả tỉnh còn rất nhiều tuyến đường, tuyến phố đang trong giai đoạn xây dựng hoặc trong quy hoạch sẽ cần được đặt tên trong thời gian tới. Vì vậy, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ xem xét, xin ý kiến để tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục đặt các tên đường, phố, trong đó có những tên tuổi, nhân vật, địa danh gắn với mảnh đất Thái Nguyên.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên: Trong việc lựa chọn công trình hoặc đường phố để đặt tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, theo tôi cần đặc biệt lưu ý đến yếu tố lịch sử, vì như vậy sẽ đảm bảo được giá trị tôn vinh, giáo dục lịch sử, truyền thống cũng như sự tri ân đối với Người. Cá nhân tôi đồng ý với phương án cải tạo Quảng trường 20-8 (T.P Thái Nguyên) hiện nay và đổi tên thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp, hoặc cũng có thể chọn một con đường phù hợp, xứng đáng mang tên Đại tướng… |
Đồng chí Vũ Ngọc Bàn, Bí thư Chi bộ tổ 19, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên): Việc tìm một con đường xứng đáng để đặt tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp lưu danh hậu thế không chỉ phụ thuộc vào quy mô con đường, mà chúng ta còn cần quan tâm đến yếu tố lịch sử, vị trí mang ý nghĩa giáo dục cộng đồng, chứ không thể là những con đường khuất, hẹp, ít dân cư qua lại… Tiêu chí lựa chọn phải khoa học, phù hợp, tương xứng với công lao, sự nghiệp của Đại tướng. Đây là công việc rất quan trọng, cần có sự đồng thuận của đông đảo người dân nên không phải cứ làm nhanh mới là thể hiện sự tôn vinh đối với Đại tướng mà chúng ta phải làm đúng quy trình, chu đáo, kỹ càng, chắc chắn và thận trọng… |