Tăng cường phòng chống dịch cúm gia cầm và tiêm vắc xin phòng bệnh sởi

22:08, 23/02/2014

Ngày 23-2, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh sởi với 63 tỉnh, thành cả nước. Đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo Hội nghị

Theo Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 2 ca tử vong do cúm A H5N1. Để phòng chống dịch cúm A H5N1 nói riêng và cúm gia cầm nói chung,  các ngành: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chủ động vào cuộc. Từ tháng 6-2013, Bộ NN&PTNT đã triển khai 3 chương trình giám sát chủ động vi rút cúm A H7N9 tại 11 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc với gần 20 nghìn mẫu gia cầm, mẫu môi trường để xét nghiệm và cho kết quả âm tính. Mặc dù vậy, Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT dự đoán cúm A H7N9 sẽ sớm xuất hiện tại nước ta do nguy cơ lây nhiễm từ các nước trong khu vực đặc biệt là Trung Quốc và đã xây dựng kế hoạch hành động phòng, chống dịch cúm A H7N9. Theo đó, Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường giám sát tại các cửa khẩu thông qua kiểm tra khách nhập cảnh bằng máy đo thân nhiệt; tăng cường giám sát cúm trọng điểm; đẩy mạnh công tác truyền thông, kịp thời cung cấp các thông tin, hình ảnh về cúm gia cầm trên các phương tiện truyền thông.

 

Đối với bệnh sởi, từ cuối năm 2013 đến nay, đã có 18 tỉnh, thành phố trong cả nước ghi nhận có bệnh nhân mắc bệnh sởi trong đó có một số tỉnh, thành phố có số người mắc sởi cao là: Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, T.P Hồ Chí Minh và Hà Nội. Nguyên nhân được xác định là do một số trường hợp trẻ đã không tiêm hoặc không tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh. Theo kế hoạch của Bộ Y tế, từ tháng 2-2014, Bộ triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho 95% trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ và những người sống ở nơi có nguy cơ cao trong ổ dịch theo chỉ định. Riêng với Thái Nguyên, hiện toàn tỉnh chưa ghi nhận có bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm và cũng chưa có bệnh nhân mắc bệnh sởi. Tuy nhiên, để chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm và bệnh sởi, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã ban hành một số quyết định, kế hoạch nhằm sẵn sàng ứng phó với hai dịch bệnh kể trên.

 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá, dự báo về tình hình dịch cúm A H7N9; đại diện một số tỉnh, thành phố báo cáo tham luận về công tác phòng chống dịch trên địa bàn; tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) trình bày các kinh nghiệm kiểm soát và phòng chống dịch cúm A/H7N9 lây từ gia cầm sang người.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Để thiết thực phòng chống các dịch bệnh, trước tiên phải tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về các loại dịch bệnh và sử dụng thực phẩm an toàn; khi có dịch xảy ra, cần cung cấp đầy đủ thông tin cho truyền thông để bảo đảm người dân được tiếp cận thông tin đầy đủ. Phó Thủ tướng cũng lưu ý những loại vắc xin tỷ lệ tiêm đạt thấp sẽ để lại hậu quả về dịch bệnh trong những năm tới, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành trong công tác phòng, chống dịch cần phải có những hành động cụ thể, hiệu quả và có trách nhiệm.