Trong không khí phấn khởi của những ngày đầu xuân mới, sáng 2-2 (tức mùng 3 Tết Giáp Ngọ), đông đảo người dân địa phương lại đổ về xóm Thanh Hoa, xã Trung Thành (Phổ Yên) để vui Hội xuống đồng xây dựng nông thôn mới cầu cho mùa vàng bội thu, cuộc sống ngày càng no đủ, sung túc. Cùng tham dự Lễ hội, xuống đồng với người dân còn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thế Đề, Chánh án Toà án nhân dân tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, huyện Phổ Yên và xã Trung Thành.
Từ mờ sớm, khi ngọn cỏ còn ướt sương đêm, nhiều người dân ở xã Trung Thành và các địa phương khác đã có mặt ở xóm Thanh Hoa để chuẩn bị tham dự Lễ hội. Các cô thôn nữ cùng thanh niên trai tráng sẵn sàng trong trang phục áo vải, áo bà ba, quần nâu để tham dự các phần thi cày, cấy; trẻ em thì được diện bộ quần áo đẹp và sặc sỡ. Các thí sinh tất bật chuẩn bị máy cày, máy cấy và các cán bộ huyện, xã gấp rút hoàn thiện các khâu cuối cùng trước Lễ hội.
Hòa cùng dòng người vui Hội, ông Nguyễn Quang Vinh, xóm Thanh Hoa, năm nay đã 75 tuổi, phấn khởi cho biết: Với ý nghĩa cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, Lễ hội xuống đồng ở xóm Thanh Hoa đã được tổ chức từ cách đây 23 năm. Cho đến nay, Lễ hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán. Qua đây, chúng tôi cũng mong muốn người dân thi đua lao động, sản xuất, nâng cao năng suất và sản lượng cây trồng.
Hơn 8 giờ, Lễ hội mở màn với các ca khúc ca ngợi quê hương, đất nước ngọt ngào, nồng thắm và màn trống hội thúc giục bà con về vui hội. Sau tiếng trống rộn ràng là tiếng máy cày giòn giã, cuộc thi cấy, thi cày bắt đầu với 10 người thi cày, 15 đôi thi cấy đến từ các xã Trung Thành, Thuận Thành, Đông Cao, Tân Phú, Nam Tiến và Tân Hương. Cùng xuống đồng với người nông dân còn có các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện trực tiếp thực hiện những đường cày đầu tiên trong năm mới Giáp Ngọ. Đồng chí Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Lễ hội xuống đồng là hoạt động văn hóa truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội cũng góp phần nâng cao tinh thần hăng say lao động sản xuất, động viên người dân phấn đấu chung tay xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp.
Các thí sinh tham gia phần thi cấy tại Lễ hội
Cả khu cánh đồng xóm Thanh Hoa đông chật người xem, không khí ồn ào, náo nhiệt bởi tiếng hò reo, cổ vũ. Ở khu ruộng bên này, các chị nông dân đang nhanh tay với phần thi cấy của mình thì ở khu ruộng bên kia, những thanh niên trai tráng cũng không kém phần hăng say trong phần thi cày, bừa. Những đường cày, cấy thẳng đều tăm tắp hiện trên những thửa ruộng. Sau phần thi cấy, chị Nguyễn Thị Thắng, thí sinh của đội xã Đông Cao đưa tay lau những giọt mồ hôi và vui vẻ cho biết: Chúng tôi rất vui khi được tham dự vào Lễ hội vì đây là dịp để nông dân chúng tôi học tập kinh nghiệm, ra sức phấn đấu giành thắng lợi trong vụ sản xuất mới, góp phần làm giàu cho gia đình, quê hương.
Lễ hội năm nay, ngoài phần thi cấy, thi cày, huyện còn tổ chức thi nuôi trâu, bò béo khỏe, thi thêu và giới thiệu sản phẩm nghề thêu ren, trình diễn các loại máy cày tại cánh đồng, trình diễn các loại hoa, trình diễn và giới thiệu sản phẩm của các làng nghề chè của huyện, tổ chức các trò chơi dân gian, các hoạt động thể thao như: bóng chuyền, cờ tướng, bóng bàn, kéo co… Đặc biệt năm nay, Lễ hội đã tổ chức thêm phần thi cấy bằng máy cấy, trong đó, hai máy cấy cùng đua tài về tốc độ và đường cấy đẹp. Ông Lê Thanh Tuyết, Chủ tịch UBND huyện Phổ Yên cho biết: Với mục đích đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích cực sử dụng các loại máy cấy, máy cày, máy bừa, Lễ hội năm nay huyện tiếp tục giới thiệu tới bà con các loại máy sản xuất nông nghiệp hiện đại. Ngoài ra, huyện cũng có cơ chế cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất cho người dân có nhu cầu mua các loại máy này.
Lễ hội xuống đồng kết thúc khi các đội nghe thông báo các giải: Nhất, Nhì, Ba cho các phần thi và bà con nông dân vui vẻ đón nhận những phần quà từ Ban Tổ chức. “Hội đã tan rồi, chia tay thôi người ơi…” nhưng trong ánh mắt những người nông dân vẫn chan chứa niềm tin, hy vọng về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
* Nhân dịp này, huyện Phổ Yên đã phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" năm 2014 tại Bệnh viện Đa khoa huyện.
Đồng chí Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo huyện trồng cây tại bệnh viện đa khoa huyện Phổ Yên
Năm qua, huyện Phổ Yên đã trồng được gần 239ha rừng. Năm nay, huyện có kế hoạch trồng mới 200ha rừng. Ngay tại Lễ phát động, các vị đại biểu cùng đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện và các em học sinh Trường THCS Đỗ Cận đã trồng hàng trăm cây keo quanh khu vực Bệnh viện. Đây là hoạt động có ý nghĩa, góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp khu vực Bệnh viện
Sau Lễ phát động, các cơ quan, đơn vị và các địa phương trên địa bàn sẽ đồng loạt hưởng ứng Tết trồng cây.