Cụm từ “một cửa liên thông” thời gian qua được sử dụng khá quen thuộc trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính. Và trong thực tế, tỉnh ta đã triển khai thực hiện cơ chế này từ một vài năm nay, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể triển khai đầy đủ.
Ngày 7-5-2008, UBND tỉnh đã có Quyết định ban hành Quy định về liên thông giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính đối với các nhà đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quy định rõ các thủ tục hành chính được giải quyết theo cơ chế “một cửa liên thông” đối với các dự án đầu tư gồm 9 mục, chia làm 2 giai đoạn. Tuy nhiên, đến nay, qua gần 6 năm triển khai, chúng ta mới thực hiện liên thông được giai đoạn 1 đối với những thủ tục ban đầu, đơn giản, gồm: Cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng; chấp thuận chủ trương đầu tư, địa điểm thực hiện dự án hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư; xác nhận cam kết bảo vệ môi trường hoặc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Còn giai đoạn 2, với những thủ tục quan trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương thì vẫn chưa thực hiện liên thông được. Đó là các thủ tục: Cấp chứng chỉ quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch được phê duyệt; thu hồi đất, xác định giá thuê đất; phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng; giao đất và cho thuê đất; thẩm định thiết kế cơ sở và cấp giấy phép xây dựng.
Được biết, tại nhiều diễn đàn doanh nghiệp của tỉnh, có không ít ý kiến, nhất là ý kiến của các doanh nhân, nhà đầu tư cho rằng, việc chưa thực hiện liên thông các thủ tục đầu tư trong giai đoạn 2 theo Quy định đã gây ra những khó khăn nhất định, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của doanh nghiệp. Gần đây, tại một cuộc gặp mặt doanh nghiệp do UBND tỉnh tổ chức, ông Nguyễn Văn Thời, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng: Hiện tại, nhà đầu tư vẫn phải đến trực tiếp các sở, ngành, địa phương liên quan của tỉnh để giải quyết từng thủ tục đầu tư. Đúng ra, nếu đã liên thông thì nhà đầu tư chỉ cần đến một đầu mối đó là Bộ phận “một cửa liên thông” của tỉnh. Các thủ tục đầu tư cần thiết của doanh nghiệp sẽ được bộ phận này thụ lý và hẹn ngày trả kết quả. Còn lại, tất cả các thủ tục liên quan đến sở, ngành, địa phương nào thì sở, ngành, địa phương đó phải có trách nhiệm tiếp nhận qua Bộ phận “một cửa liên thông” của tỉnh, sau khi có kết quả sẽ trả tại chính Bộ phận “một cửa liên thông”.
Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi đã trao đổi với nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh về vấn đề này thì cơ bản các ý kiến đều cho rằng, việc thực hiện cơ chế liên thông đối với các thủ tục đầu tư của tỉnh thời gian qua là chưa có. Điều đó đã nảy sinh những khó khăn, rườm rà nhất định trong quá trình đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Ông Vũ Hải Bình, Giám đốc Nhà máy sản xuất gạch Tuynel thuộc Công ty CP Việt Hàn (có địa chỉ tại 33 - Lê Duẩn, T.P Đà Nẵng) - đơn vị đã đầu tư nhiều dự án tại các tỉnh, thành khác nhau trong cả nước - cho biết: Qua thực tế đầu tư tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Vĩnh Phúc… chúng tôi nhận thấy các địa phương này đã thực hiện khá tốt cơ chế “một cửa liên thông”. Ngoài việc chỉ cần giao dịch ở một đầu mối duy nhất là Bộ phận “một cửa liên thông”, tại các tỉnh, thành nói trên khi nhà đầu tư triển khai dự án, nếu mắc ở khâu nào thì trực tiếp chuyên viên Bộ phận một cửa sẽ đi giải quyết cùng. Bởi vậy, gần như những vướng mắc của nhà đầu tư đều được giải quyết kịp thời, nhanh gọn, tránh được sự rườm rà không đáng có. Chúng tôi đang chuẩn bị xin chấp thuận chủ trương đầu tư của tỉnh đối với một dự án mới nên luôn mong muốn Bộ phận “một cửa” của tỉnh thực sự “liên thông” để thuận cho quá trình làm thủ tục đầu tư.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Việt, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch - Đầu tư) cho biết: Đúng là thời gian qua tỉnh ta chưa thực hiện được đầy đủ cơ chế “một cửa liên thông”, chúng ta mới giải quyết thủ tục đầu tư theo cơ chế “một cửa” mà chưa “liên thông”. Có nhiều nguyên do, trong đó chủ yếu là chưa có sự thống nhất giữa các sở, ngành liên quan trong việc thực hiện liên thông giải quyết các thủ tục đầu tư. Gần đây, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo triển khai việc thực hiện quy chế một cửa liên thông theo đúng quy định đã ban hành.
Trong khi ở quy mô cấp tỉnh vẫn chưa hoàn thiện cơ chế một cửa liên thông thì ở một số huyện, thành, thị đã triển khai khá hiệu quả cơ chế này, trong đó, đáng chú ý nhất là T.P Thái Nguyên. Được biết, toàn bộ các thủ tục hành chính đều được giải quyết ở Bộ phận “một cửa liên thông” đặt tại Trụ sở UBND thành phố. Điều đáng nói là, tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính của từng đơn vị, bộ phận liên quan đều được lãnh đạo thành phố kiểm soát hàng ngày, hàng giờ. Tất cả các bộ phận liên quan đều được kết nối với nhau và với máy chủ. Ở bất kỳ một khâu nào trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính mà để chậm hoặc gặp khó khăn, lập tức bộ phận đó sẽ hiển thị “báo động đỏ” ngay trên máy chủ. Cuối mỗi ngày, bộ phận bị “báo động đỏ” sẽ phải giải trình cụ thể với lãnh đạo UBND thành phố về lý do chậm trễ…
Năm 2013, tỉnh ta là một trong những địa phương có thành tích rất tốt về thu hút đầu tư trong cả nước, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực hiện được đầy đủ cơ chế “một cửa liên thông” trong giải quyết các thủ tục đầu tư thì chắc chắn kết quả sẽ không dừng lại ở đó. Mặt khác, chất lượng đầu tư cũng như tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn sẽ nhanh chóng và đảm bảo hơn nhiều.