Nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp

16:22, 23/03/2014

Ngày mai (24-3), Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc lần thứ VI sẽ được tổ chức tại Thái Nguyên. Hội nghị diễn ra vào thời điểm nửa cuối nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, cũng là thời điểm Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã có hiệu lực. Bởi vậy, Hội nghị lần này có tầm quan trọng đặc biệt và thu hút được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân.

Thường trực HĐND các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc đã thống nhất lựa chọn chủ đề của Hội nghị lần này là “Tiếp tục đổi mới toàn diện, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013”. Với chủ đề này, Hội nghị sẽ tập trung trao đổi, thảo luận để tìm ra những giải pháp mang tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, qua đó tiếp tục đổi mới toàn diện, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

 

Trong những năm qua, HĐND các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, có nhiều đổi mới, cải tiến trong hoạt động, thể hiện tốt vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của HĐND ngày càng được đáp ứng tốt hơn. Công tác tham mưu, giúp việc của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các tỉnh có nhiều tiến bộ, đổi mới. Mặc dù vậy, cũng phải thừa nhận trong thời gian qua vẫn có nơi, có lúc hoạt động của HĐND các cấp chưa thực sự đổi mới và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Theo đánh giá của Thường trực HĐND các tỉnh thì có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Trong đó, có nguyên nhân xuất phát từ cơ cấu tổ chức, bộ máy, có nguyên nhân thuộc về quy định của hệ thống văn bản pháp luật và các điều kiện đảm bảo khác cho hoạt động của HĐND. Theo Hiến pháp năm 2013, HĐND được xác định là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Với trọng trách đó, để thực hiện được yêu cầu đặt ra, Hội nghị của HĐND các tỉnh lần này sẽ góp phần giải quyết được không ít nội dung đang là vấn đề khó trong hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

 

Vấn đề trước tiên được Hội nghị chú trọng chính là việc thực thi hiệu quả Hiến pháp năm 2013. Muốn vậy, cần thiết phải thể chế hóa các văn bản quy phạm pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cho tương xứng. Để làm được điều đó, cần bổ sung xây dựng và sửa đổi hệ thống Luật, trực tiếp là Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật Bầu cử đại biểu HĐND, Luật Giám sát của HĐND, nhằm đảm bảo cho hoạt động của HĐND có hiệu lực, hiệu quả và thực quyền.

 

Tiếp theo, qua nhiều hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND được tổ chức ở các khu vực trên toàn quốc, bàn thảo về nội dung làm thế nào để HĐND thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, có nhiều câu hỏi được đưa ra, như: Tổ chức, bộ máy của cơ quan quyền lực phải được thiết lập như thế nào cả về số lượng các cơ quan của HĐND lẫn số lượng thành viên, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND… Ngoài ra, về vấn đề bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, có ý kiến đề nghị và cho rằng cần nghiên cứu sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND theo hướng Chủ tịch HĐND là Bí thư hoặc Phó Bí thư cấp ủy cùng cấp; không bố trí chức danh Ủy viên Thường trực HĐND mà nên bố trí ít nhất 2 Phó Chủ tịch HĐND… Tại Hội nghị lần này, những nội dung trên cũng được Thường trực HĐND các địa phương trao đổi, thảo luận và có những đề xuất trình Quốc hội xem xét.

 

Một nội dung nữa được Hội nghị lần này đặt ra đó là tìm giải pháp về cơ cấu, thành phần, chất lượng đại biểu HĐND để vừa bảo đảm yêu cầu về tiêu chuẩn, trình độ theo quy định, vừa bảo đảm tính liên tục, tính kế thừa, tính đại diện theo ngành, địa phương, dân tộc và các tổ chức đoàn thể. Cùng với đó, việc xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đối với đại biểu dân cử và đội ngũ cán bộ, công chức nghiên cứu, tham mưu, giúp việc cơ quan dân cử như thế nào cho phù hợp, hiệu quả cũng là vấn đề sẽ được Hội nghị tập trung bàn thảo.

 

Về tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo cũng được xem là hoạt động quan trọng của các đại biểu dân cử. Nhiệm vụ của các đại biểu tham dự Hội nghị lần này là thảo luận, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi những quy định trong công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo khi đơn, thư được gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh. Đối với việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Quốc hội sẽ tiến hành sửa đổi Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Cùng với đó, vấn đề tổ chức chính quyền địa phương, tổ chức HĐND ở các cấp như thế nào để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013 cũng được các đại biểu cho ý kiến.

 

Được biết, cùng với những vấn đề trên, các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ thảo luận thêm về một số vấn đề như: Chế độ khen thưởng, điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện, kinh phí để bảo đảm tốt nhất cho Thường trực, các ban, các tổ, đoàn đại biểu và đại biểu HĐND thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách sao cho phù hợp, công bằng với mặt bằng chung…