Tại Hội nghị bàn các giải pháp phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số được UBND tỉnh tổ chức ngày 18-4, đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Công tác chăm lo đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh thời gian qua đã được tỉnh đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn chưa như mong muốn. Một số chỉ tiêu đề ra còn đạt thấp, vẫn còn những xóm, bản vùng sâu, vùng xa có 100% tỷ lệ hộ nghèo.
Đồng chí nhấn mạnh: Chúng ta có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ, giúp đồng bào có điều kiện phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, do công tác dân tộc tại các địa phương còn hạn chế, cán bộ làm công tác này chưa thật sự sâu sát, gắn bó với cơ sở nên hiệu quả mang lại chưa cao. Bởi vậy, thời gian tới cần sự vào cuộc thực sự của các ngành, địa phương, trong đó nòng cốt là lực lượng cán bộ dân tộc cơ sở... Có như vậy, đời sống kinh tế của đồng bào mới được cải thiện và nâng lên từng bước.
Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh tại Hội nghị cho thấy: Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số của tỉnh đã giảm từ 27% năm 2011 xuống còn 15,9% năm 2013; có 80% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 99% số hộ được sử dụng điện; trên 61% số trường học vùng dân tộc miền núi đạt chuẩn Quốc gia; trên 89% số xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế; một số xã đã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các chính sách dân tộc như: Chương trình 135; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách không thu tiền một số ấn phẩm báo chí, tạp chí; chính sách hỗ trợ muối iốt, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo... đã được tỉnh quan tâm thực hiện và thu được kết quả nhất định. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo, nhất là đối với các xóm đồng bào dân tộc Mông vẫn còn cao.
Trong năm 2014, tỉnh dự kiến chọn 12 xóm, bản đặc biệt khó khăn để tập trung chỉ đạo điểm phát triển kinh tế, nhằm tạo sự chuyển biến gồm: 3 xóm của huyện Đồng Hỷ, 2 xóm của huyện Phú Lương, 6 xóm của huyện Võ Nhai và 1 xóm của huyện Định Hoá. Nguồn vốn tỉnh dự kiến hỗ trợ cho các xóm trên là khoảng 15,4 tỷ đồng để thực hiện các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp phù hợp với từng địa phương.