Sẽ tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ

08:00, 10/04/2014

Đó là một trong những vấn đề được đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Thái Nguyên xung quanh nội dung được đề cập trong bài viết 2 kỳ “Nhức nhối tín dụng đen” đăng trên các số báo ra ngày 2 và 3-4-2014. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã làm rõ nhiều vấn đề có liên quan… Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

P.V: Báo Thái Nguyên vừa đăng tải bài viết 2 kỳ “Nhức nhối tín dụng đen”, xin đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho biết quan điểm về vấn đề bài báo đã nêu?

 

Đ/c Dương Ngọc Long: Tôi đánh giá cao nội dung và những thông tin mà bài báo đã nêu về hoạt động cầm đồ và “tín dụng đen” đang diễn ra trên địa bàn các địa phương trong tỉnh. Những hoạt động trên đang gây ra những bức xúc trong nhân dân, được nhiều người quan tâm. Thông qua phản ánh của Báo Thái Nguyên đòi hỏi chính quyền, các cơ quan chức năng của tỉnh, của huyện phải quan tâm giải quyết.

 

P.V: Trong quá trình thực hiện bài viết, chúng tôi nhận thấy một số cơ quan liên quan của tỉnh cũng như chính quyền một số địa phương chưa thực sự làm hết trách nhiệm và có sự đùn đẩy, thậm chí buông lỏng quản lý đối với hoạt động của các cửa hàng cầm đồ (cả có phép lẫn trá hình). Ý kiến của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

 

Đ/c Dương Ngọc Long: Rõ ràng, để xảy ra hoạt động cầm đồ sai quy định cũng như cho vay nặng lãi ở các địa phương trong tỉnh là do chính quyền địa phương chưa vào cuộc xử lý quyết liệt, chưa làm hết trách nhiệm, các cơ quan tham mưu cho UBND các cấp chưa thực hiện đầy đủ chức năng quản lý Nhà nước đối với các hoạt động nêu trên. Đúng là có tình trạng các cơ quan như: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Nguyên, Công an, Kế hoạch - Đầu tư chưa nhận thức đầy đủ, phân định rạch ròi chức năng, nhiệm vụ trong quản lý các hoạt động trên và sự phối hợp cũng chưa chặt chẽ, đồng bộ.

 

Hoạt động cầm đồ được phép hoạt động theo quy định của Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, là loại hình kinh doanh có điều kiện theo Nghị định số 72/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện là cơ quan cấp đăng ký kinh doanh cho cá nhân hoạt động cầm đồ trên địa bàn; khi cấp đăng ký kinh doanh, hộ kinh doanh phải có bản cam kết thực hiện đúng quy định, đảm bảo về điều kiện an ninh trật tự với cơ quan công an cấp tỉnh hoặc cấp huyện.

 

Trong thực tế một số năm trước đây, phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐKKD) dịch vụ cầm đồ cho các tổ chức, cá nhân có ghép cả hoạt động cho vay là trái quy định của pháp luật. Phát hiện điều đó, từ cuối năm 2012, theo hướng dẫn của Sở Kế hoạch - Đầu tư, việc cấp GCNĐKKD cho hoạt động cầm đồ đã không còn ngành nghề cho vay nữa. Tuy nhiên, do các địa phương chưa tiến hành rà soát, kiểm tra để thu hồi các GCNĐKKD đã cấp sai nên hoạt động cầm đồ, cho vay càng trở nên khó kiểm tra, kiểm soát và xử lý theo quy định của pháp luật.

 

P.V: Theo ý kiến của đại diện một số cơ quan, đơn vị, sở dĩ có sự buông lỏng trong quản lý đối với các cửa hàng cầm đồ hiện nay, để họ có thể công khai hoạt động cho vay với lãi suất cao là do thiếu chế tài xử lý. Đồng chí có đồng tình với quan điểm này không?

 

Đ/c Dương Ngọc Long: Tôi chưa thể trả lời là đồng tình hay không ngay được. Để có cơ sở khẳng định điều này, tôi sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh như: Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính, Công an tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Nguyên… làm rõ các căn cứ pháp lý của hoạt động cầm đồ, cho vay, từ đó làm rõ mức độ sai phạm và có chế tài xử lý cụ thể. Tuy nhiên, qua công tác thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực cầm đồ, nếu phát hiện hoạt động trái với quy định của pháp luật, không đúng so với GCNĐKKD thì cơ quan Nhà nước có thể thu hồi GCNĐKKD theo quy định.

 

P.V: Để các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng “tín dụng đen”, với vai trò là người đứng đầu UBND tỉnh, đồng chí sẽ chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương liên quan thực hiện các biện pháp gì?

 

Đ/c Dương Ngọc Long: Trước mắt, UBND tỉnh sẽ có văn bản chỉ đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Công an tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Nguyên và UBND cấp huyện tiến hành đợt tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ và cho vay trên địa bàn toàn tỉnh, phát hiện kịp thời các cơ sở vi phạm pháp luật để xử lý thật nghiêm. Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ có GCNĐKKD gồm cả ngành nghề cho vay, sẽ tiến hành thu hồi để điều chỉnh cho đúng với quy định của pháp luật. Còn với những cơ sở hoạt động cho vay trái phép thì phải kiên quyết xử phạt hành chính và đóng cửa hoạt động; các cơ sở hoạt động trá hình phải kiên quyết dẹp bỏ. Đồng thời sẽ tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra chuyên ngành đối với lĩnh vực nêu trên để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm (nếu có); phát hiện những bất cập trong hệ thống văn bản của Nhà nước, của địa phương để kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp với quy định của pháp luật. Cùng với đó, chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại mở rộng mạng lưới chi nhánh đến các địa phương, tăng lượng vốn cho vay, mở rộng đối tượng và tạo điều kiện cho nhân dân được tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn vay theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và quy định của pháp luật; khuyến khích thành lập các tổ chức tín dụng nhân dân hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, góp phần giúp nhân dân được vay vốn hợp pháp với lãi suất hợp lý để đáp ứng nhu cầu cải thiện cuộc sống và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội cần tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho vay đối với học sinh, sinh viên để phục vụ việc học tập, sinh hoạt  của các em được thuận lợi, không phải “cắm” thẻ sinh viên hay giấy chứng minh nhân dân để vay tiền; đồng thời nhờ có nguồn vốn ưu đãi này mà nhân dân không phải vay “nặng lãi” ở bên ngoài...

 

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!