Sơ kết mô hình thí điểm cai nghiện bằng thuốc Cedemex

15:49, 19/04/2014

Ngày 19-4, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện Đề án thí điểm mở rộng “Mô hình hỗ trợ cắt cơn điều trị nghiện ma tuý bằng thuốc Cedemex tại gia đình và cộng đồng” giai đoạn 2013-2015. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; các Bộ: Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Khoa học và Công nghệ cùng đại diện các tỉnh Đồng Nai, Bạc Liêu, Tuyên Quang, Yên Bái, Lai Châu, Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Nguyên.

Đề án thí điểm mở rộng “Mô hình hỗ trợ cắt cơn điều trị nghiện ma tuý bằng thuốc Cedemex tại gia đình và cộng đồng” được triển khai tại tỉnh Thái Nguyên từ tháng 4-2013 với sự tham gia của 356 người ở 77 xã, phường, thị trấn thuộc 6 huyện, thành phố, thị xã. Trong số đó có 284 người duy trì uống thuốc điều trị. Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, trong 155 người đã dùng thuốc đủ 6 tháng có 117 người đến nay chưa sử dụng lại ma tuý, kiểm tra nhanh 74 người đang trong giai đoạn điều trị dưới 6 tháng đều cho kết quả âm tính.

 

Đánh giá chung về việc sử dụng thuốc Cedemex để cai nghiện cho thấy, thuốc Cedemex hỗ trợ cắt cơn êm dịu, không vật vã, sau từ 3 đến 5 ngày người cai nghiện không còn cảm giác thèm, nhớ ma tuý. Trong 6 tháng điều trị duy trì bằng thuốc Cedemex hầu hết người cai nghiện đều ăn tốt, ngủ tốt, tâm lý, tinh thần thoải mái, sinh lý phục hồi, tăng từ 02 đến 09 kg, sức khoẻ được cải thiện rõ rệt.

 

Tại hội nghị, hầu hết ý kiến của các đại biểu cho rằng việc triển khai mô hình dùng thuốc Cedemex hỗ trợ cắt cơn, điều trị nghiệm ma tuý tại gia đình, tại cộng đồng đã thực sự góp phần nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho tổ công tác cai nghiện cấp xã và cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội từ tỉnh đến cơ sở.

 

Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, trong quá trình triển khai Đề án vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế nhất định, đặc biệt là công tác tư vấn, tuyên truyền Đề án với người dân và gia đình có người nghiện; việc tổ chức cấp phát thuốc còn lúng túng; việc giám sát đối tượng nhận thuốc điều trị còn hạn chế; khâu lập hồ sơ, ghi chép, quản lý người cai nghiện còn chậm hoặc không thường xuyên…

 

Để việc triển khai thực hiện Đề án thí điểm mở rộng “Mô hình hỗ trợ cắt cơn điều trị nghiện ma tuý bằng thuốc Cedemex tại gia đình và cộng đồng” giai đoạn 2013-2015 đạt được hiệu quả cao nhất trong thời gian tới, tỉnh đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn, vận động người nghiện ma tuý tham gia cai nghiện; kết hợp việc tổ chức cai nghiện ma tuý với đấu tranh, truy quét, triệt phá các đường dây, tụ điểm, điểm buôn bán ma tuý trên địa bàn, nhất là ở những vùng trọng điểm; lồng ghép chương trình phát triển kinh tế xã hội ở địa phương để tạo điều kiện cho người nghiện sau cai được học nghề, tìm việc làm, tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội, vay vốn ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng bền vững.

 

Hiện nay, Thái Nguyên vẫn còn gần 5,2 nghìn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý sinh sống tại 166/181 xã, phường, thị trấn. Năm 2013, tỉnh đã tổ chức cai nghiện bằng các hình thức cho trên 1,5 nghìn người, cai tự nguyện tại gia đình và cộng đồng là khoảng gần 1 nghìn người, điều trị nghiện thay thế bằng chất dạng thuốc phiện Methadone cho gần 1,5 nghìn người.