Ngày 24/4, đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Vùng cao (CERDA) do ông Dennis Marena, Giám đốc Dự án Dự án REDD+ làm Trưởng đoàn. Cùng dự có đại diện một số sở, ngành, Chi cục Kiểm lâm và UBND huyện Võ Nhai.
Trung tâm CERDA là một tổ chức phi chính phủ (NGO), hiện đang thực hiện các dự án phát triển tại một số tỉnh miền núi phía Bắc nước ta, trong đó có Dự án “Mô hình thí điểm thực hiện Chương trình Giảm phát thải khí nhà kính từ nỗ lực giảm mất rừng và suy thoái rừng (gọi tắt là REDD+) tại xã Bình Long (Võ Nhai) và xã Phúc Lương (Đại Từ).
Dự án REDD+ là một phần của dự án toàn cầu (đã được thực hiện tại 10 nước trên toàn cầu) được Cơ quan Hợp tác và Phát triển của Chính phủ Na Uy (NORAD) phê duyệt trong khuôn khổ Quỹ biến đổi Khí hậu hỗ trợ cộng đồng người bản địa và Trung tâm Quốc tế nghiên cứu chính sách và Giáo dục của người dân tộc bản địa là cơ quan đại diện nhà tài trợ điều phối và quản lý dự án.
Dự án REDD+ tại xã Bình Long do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là đơn vị chủ quản, Cơ quan NORAD là tổ chức tài trợ, Trung tâm CERDA là đơn vị tiếp nhận và thực hiện dự án. Giai đoạn I của dự án được triển khai từ tháng 6/2010 - tháng 5/2013 với tổng kinh phí gần 300 nghìn USD; giai đoạn II từ tháng 6/2013- đến 12/2014 với tổng kinh phí gần 220 nghìn USD… Dự án đã giúp khôi phục hệ sinh thái rừng trên núi đã, giảm phát khí thải nhà kinh từ mất rừng, đồng thời giúp đỡ các hợp tác xã vay vốn không lãi xuất thực hiện một số mô hình có thu nhập cao, góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người dân, đóng góp xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đặng Viết Thuần đánh giá cao sự quan tâm của Trung Tâm CERDA và Cơ quan NORAD cùng các nhà tài trợ cho Dự án REDD+ tại 2 huyện Võ Nhai và Đại Từ. Kết quả ban đầu và cách thức thực hiện Dự án thí điểm REDD+ trong thời gian vừa qua đã giúp cho việc giảm phát thải khí, tăng trữ lượng các bon rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn…
Đồng chí cũng đề nghị, trong thời gian tới, các tổ chức NGO nói chung và Trung tâm CERDA, Cơ quan NORAD nói riêng cần tiếp tục dành cho Thái Nguyên sự quan tâm hỗ trợ về tài chính, nhân lực và nhân rộng các Dự án REDD+ tại các xã trên địa bàn tỉnh. Về phía địa phương, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành chức năng tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách, đổi mới các hình thức tổ chức quản lý rừng, đi đôi với phát triển nguồn nhân lực và huy động sự tham gia của người dân và cộng đồng vào quá trình lập kế hoạch, thực hiện và giám sát các dự án REDD+…
Được biết, trong hai ngày 25 và 26/4, Đoàn công tác của Trung Tâm CERDA tiếp tục thăm vùng dự án, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Thí điểm REDD+ tại xã Bình Long (Võ Nhai) với các nội dung chính: tham vấn, tư vấn, truyền thông về biến đổi khí hậu và REDD+; điều tra trữ lượng sinh khối trên cây gỗ trên ô tiêu chuẩn; chia sẻ các chủ đề, câu chuyện như: “Cộng đồng dân tộc thiểu số liên kết hình thành tổ chức có tư cách pháp nhân làm chủ các sáng kiến bảo vệ rừng, nâng cao vị thế và sự đóng góp của cộng đồng cho việc quản lý và phát triển khu vực nông thôn miền núi; cộng đồng hợp tác sản xuất hàng hóa tạo thu nhập mới…và thăm một số mô hình trồng cây lát phân tán, trồng rừng hỗn loài giống bản địa…