Tọa đàm ngành Dệt may Việt Nam và các tác động của TPP

21:05, 12/04/2014

Ngày 12-4, tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Hiệp hội Dệt may Việt Nam phối hợp với Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG tổ chức chương trình toạ đàm mang chủ đề “Ngành Dệt may Việt Nam và các tác động của TPP”. Dự hội thảo có đại diện các doanh nghiệp dệt may tại tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang cùng đại diện một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh.

Hiệp định đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một hiệp định thoả thuận thương mại tự do với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hiệp định TPP sẽ mở ra cơ hội lớn của thương mại Việt Nam, trong đó có ngành Dệt may, nhằm mở rộng thị trường. Tuy nhiên, việc tham gia vào TPP cũng đòi hỏi các nước thành viên chấp thuận những điều khoản khắt khe. Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực mở rộng thị trường quốc tế thông qua việc đẩy nhanh tiến trình đàm phán tham gia các hiệp định thương mại tự do với các đối tác, trong đó có TPP.

 

 Diễn giả Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam trao đổi tại buổi tọa đàm.

 

Tại chương trình, các đại biểu đã được nghe Hiệp hội Dệt may Việt Nam trình bày tổng quan về ngành Dệt may Việt Nam trong năm 2013; dệt may Việt Nam nhìn ra thế giới; chiến lược cho dệt may Việt Nam giai đoạn 2015 - 2025 tầm nhìn 2035… Các ý kiến của các đại biểu tham gia toạ đàm đều cho rằng: dệt may Việt Nam hiện đang tập trung quá lớn vào thị trường xuất khẩu (chiếm 86% năng lực sản xuất toàn ngành), trong khi đây là thị trường đầy biến động và rất khó kiểm soát. Ngoài ra, vấn đề nữa của dệt may Việt Nam là sự lệ thuộc quá lớn vào nguồn vải nhập khẩu (chiếm 86% tổng nhu cầu) và hệ quả của nó là tình trạng “nút thắt cổ chai” tại khâu đoạn dệt nhuộm trong chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam vốn đã tồn tại nhiều năm và chưa được cải thiện.

 

Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp dệt may phải nhanh chóng đưa ra các giải pháp nào để có thể tận dụng tối đa cơ hội và ứng phó được với những thách thức từ TPP, nhằm đưa ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam phát triển ổn định và bền vững.