Ngày 23-4, Ban Dân vận Tỉnh uỷ đã tổ chức buổi Toạ đàm về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Mông. Dự Hội nghị có các đồng chí: Trần Quốc Tỏ, Phó Bí thư Tỉnh uỷ; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Phùng Đình Thiệu, Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ; Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Thị Hảo, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các địa phương, cơ quan liên quan và gần 20 đại biểu là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có 47 xóm, bản thuộc 18 xã của 4 huyện Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa, Đồng Hỷ có đồng bào dân tộc Mông sinh sống với 1.520 hộ, 7.775 nhân khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc Mông chiếm khá cao, có 29/47 xóm, bản có tỷ lệ hộ nghèo từ 40 đến 70%. Đặc biệt, tại 3 xóm, bản của huyện Đồng Hỷ gồm Lân Đăm (xã Quang Sơn) và Mỏ Nước, Bản Tèn (xã Văn Lăng) có 100% hộ nghèo. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và tỉnh đã có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc Mông.
Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử, địa lý và xuất phát điểm về đời sống kinh tế, phương thức sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu, sinh sống chủ yếu ở những địa hình phức tạp, cách xa trung tâm… nên cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số phần tử xấu còn lợi dụng những vùng đồng bào dân tộc để tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất đoàn kết, mất an ninh trật tự, an toàn xã hội...
Thời gian tới, Thái Nguyên cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động bà con các dân tộc ở từng cộng đồng dân cư hiểu rõ âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá cách mạnh Việt Nam; đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động của các tổ chức bất hợp pháp đội lốt tôn giáo, tránh để kẻ xấu tuyên truyền, xúi giục làm trái đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; hỗ trợ các xóm, bản đặc biệt khó khăn để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần một cách bền vững; mở các lớp tập huấn để nâng cao trình độ cho đồng bào Mông về kiến thức pháp luật, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất sát với nhu cầu và tình hình thực tế; bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số; xóa dần các tập tục lạc hậu, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc...