Giải trình, làm rõ nội dung còn nhiều ý kiến thắc mắc

22:30, 16/05/2014

Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh đã yêu cầu thủ trưởng của 4 ngành tham mưu xây dựng các báo cáo, tờ trình, gồm: Tài nguyên và Môi trường; Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Nội vụ; Thông tin và Truyền thông, có trách nhiệm giải trình trực tiếp tại hội trường những nội dung còn chưa rõ, nhiều ý kiến thắc mắc. Dưới đây là trích ghi các ý kiến giải trình của lãnh đạo các ngành.

Làm rõ thực trạng chất lượng nguồn nước mặt

 

 

Ông Đoàn Văn Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Trả lời ý kiến yêu cầu làm rõ thêm thực trạng phân bố công trình nước mặt, xác định rõ khu vực nào đảm bảo nguồn nước, nguyên nhân suy giảm chất lượng nước, khu vực nào thiếu nước mặt phục vụ sản xuất, sinh hoạt, người đứng đầu Sở Tài nguyên và Môi trường giải trình: Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 công trình khai thác nước mặt phục vụ sinh hoạt đô thị và 266 công trình cấp nước tập trung tại khu vực nông thôn. Trên dòng chính của sông Cầu, đoạn chảy vào tỉnh đến xã Sơn Cẩm (Phú Lương) chất lượng nước tương đối tốt, chỉ bị ô nhiễm nhẹ chất hữu cơ vào mùa mưa. Đoạn chảy qua địa bàn T.P Thái Nguyên chất lượng nước giảm dần và bị ô nhiễm bởi các nguồn nước thải sinh hoạt. Đoạn từ đập Thác Huống đến sau điểm hợp lưu với sông Công hiện cũng bị ô nhiễm nhẹ chất hữu cơ. Riêng đoạn qua khu vực Cầu Mây (Phú Bình) hàm lượng Nitơ vượt 1,03 lần. Tại các phụ lưu sông Cầu (suối Nghinh Tường - Thần Sa, huyện Võ Nhai) bị ô nhiễm kim loại nặng do hoạt động khai thác khoáng sản, hàm lượng thủy ngân vượt 6,11 lần. Tại sông Công và các nhánh sông khác, một số đoạn chất lượng tốt, các đoạn chảy qua khu vực bãi rác Đá Mài (T.P Thái Nguyên) bị ô nhiễm hợp chất hữu cơ và tổng chất rắn lơ lửng. Riêng chất lượng nước hồ Núi Cốc hiện nay tương đối tốt, đảm bảo đủ tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt... Chất lượng nước mặt của Thái Nguyên đang bị suy giảm chủ yếu do bị ô nhiễm từ nước, rác thải sinh hoạt và do hoạt động khai thác khoáng sản.

 

Vì sao gần 60% địa phương, đơn vị chưa hỗ trợ cho cán bộ bộ phận "một cửa"?

 

Ông Trần Dương Thịnh, Giám đốc Sở Nội vụ: Giải trình về tại sao việc chi trả chế độ phụ cấp đối với cán bộ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (bộ phận "một cửa") vẫn còn tới gần 60% địa phương, đơn vị chưa thực hiện, ông Trần Dương Thịnh cho rằng: Cơ quan hành chính cấp huyện, xã chưa thực hiện cân đối ngân sách và quy định cụ thể mức hỗ trợ để chi trả cho công chức tại Bộ phận "một cửa". Một số cơ quan hành chính cấp tỉnh chưa có giải pháp thực hiện hợp lý do chưa cân đối được kinh phí chi thường xuyên hàng năm. Thực tế thì ngân sách tỉnh đã cân đối bổ sung, song cấp huyện chưa nghiêm túc bố trí cho cấp xã. Điều kiện cơ sở vật chất, làm việc của bộ phận này chưa đảm bảo theo quy định, chưa đáp ứng yêu cầu, nên cấp xã chưa thực hiện đầy đủ cơ chế... Về giải pháp khắc phục, người đứng đầu ngành Nội vụ đề xuất: Các địa phương, đơn vị cần chú trọng hơn đến công tác quản lý ngân sách; khẩn trương triển khai thực hiện 100% các thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết tại bộ phận "một cửa"; bố trí đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất làm việc tại bộ phận này; ưu tiên cải tạo, sửa chữa, nâng cấp trụ sở UBND các xã đã xuống cấp...

 

Lý do quy hoạch phát triển công nghệ cao chỉ tập trung tại Phổ Yên và T.P Thái Nguyên

 

Ông Vũ Quốc Thạnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Về lý do tỉnh ta chỉ quy hoạch và đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao - công nghệ thông tin và điện tử (CNC-CNTT&ĐT ) tải KCN Yên bình (Phổ Yên) và KCN Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) mà không thực hiện tại các khu cụm công nghiệp khác, ông Vũ Quốc Thạnh giải thích: Công nghiệp CNC-CNTT&ĐT là ngành công nghiệp mang tính đặc thù và Khu công nghiệp phát triển CNC-CNTT&ĐT được hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước. Các khu công nghiệp này đòi hỏi tính đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ, môi trường cao. Hiện nay trên địa bàn tỉnh ta, 2 KCN trên đều có phân khu tập trung cho phát triển CNC-CNTT&ĐT. Do vậy, tỉnh ta có chính sách, định hướng chiến lược phát triển 2 khu công nghiệp này là đúng hướng, mang tính khả thi cao, phù hợp cho việc xúc tiến, kêu gọi và thực hiện đầu tư. Nếu mở rộng quy hoạch, đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh sẽ khó khăn hơn.

 

Phương án cân đối kinh phí đầu tư mở rộng Quảng trường

 

Ông Phạm Thái Hanh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Lý giải về phương án cân đối kinh phí, đầu tư mở rộng Quảng trường Võ Nguyên Giáp, ông Phạm Thái Hanh cho biết: Hiện nay, UBND T.P Thái Nguyên đã hoàn thành xong công tác quy hoạch mở rộng Quảng trường từ 0,94ha lên 2,04ha. Trên cơ sở này, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng UBND T.P Thái Nguyên sẽ phối hợp với các ngành tham mưu cho UBND tỉnh sớm cân đối nguồn kinh phí đầu tư, xây dựng Quảng trường cho tương xứng với công lao tầm vóc lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 

Về vấn đề "ứng xử" với cái tên 20/8 ra sao sau khi đổi tên Quảng trường 20/8 thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp, người đứng đầu ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch giải trình: Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND T.P Thái Nguyên sẽ tiếp tục trưng cầu ý kiến và tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh để lựa chọn một trong hai công trình công cộng mang tên sự kiện 20/8 là: Sân vận động tỉnh hoặc đường Bắc Sơn. Về tiêu chí, căn cứ lựa chọn và quy trình cụ thể sẽ được tiến hành theo quy định.