Hội thảo quốc tế Phát triển bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số

16:22, 12/06/2014

Trong hai ngày 12 và 13-6, tại Trung tâm học liệu Đại học Thái Nguyên, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp với Đại học Thái Nguyên tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi”. Dự Hội thảo có đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư; Lao động, Thương binh và Xã hội cùng đại diện Đại sứ quán Ai len, Thụy Sỹ tại Việt Nam và các đoàn khách quốc tế đến từ Nêpan, Bôlivia, Ấn Độ, Mỹ, Malaisia, Philippine, Thái Lan, Bănglađét…  

Báo cáo đề dẫn của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tại Hội thảo đã ghi nhận thông qua kết quả điều tra xã hội hàng năm của Tổng cục Thống kê: Trong 20 năm qua, Việt Nam là một trong những nước thành công về quá trình phát triển kinh tế và giảm nghèo. Năm 1986, Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người dưới 100 đô la Mỹ thì nay đã trở thành quốc gia có thu nhập đầu người đạt 1.200 đô la Mỹ với khoảng 35 triệu người thoát nghèo. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đạt được thành tựu ấn tượng về giáo dục và y tế. Tỷ lệ nhập học ở bậc tiểu học của người nghèo đạt trên 90% và ở bậc trung học cơ sở là 70%. Trình độ học vấn tăng và sự đa dạng hóa các hoạt động phi nông nghiệp, cơ hội làm việc ở công trường, nhà máy... cũng đóng góp tích cực cho công tác xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam.

 

Các đại biểu cho rằng: Chiến lược toàn diện về tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam là đúng đắn, hợp lòng dân, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Mặc dù kinh tế còn không ít khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi công tác an sinh xã hội và giảm nghèo là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu.

 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung xoay quanh chủ đề như: Các chính sách ở Việt Nam nhìn từ góc độ Chính phủ và quan điểm của các nhà tài trợ; Các dự án phát triển và thể chế hóa các chính sách phát triển kinh tế; Hỗ trợ phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập giảm nghèo bền vững; Tuy nhiên, tỷ lệ giảm nghèo ở Việt Nam nhanh nhưng chưa bền vững; khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Để thực hiện hiệu quả hơn về công tác này trong những năm tiếp theo, Hội thảo đã đưa ra khuyến nghị đó là cần thống nhất cơ chế quản lý về một đầu mối và tránh chống chéo trong ban hành chính sách. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng chính sách cần quân tâm hơn đến các vấn đề như: Phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của các dân tộc thiểu số, yếu tố vùng, miền ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách...